Lương hưu vỏn vẹn 7 triệu đồng
Mỗi người lại đưa ra những quyết định khác nhau khi họ bắt đầu nghỉ hưu. Đối với ông Lâm, 72 tuổi, ở Trung Quốc, ông vẫn quyết định ở 1 mình dù các con khuyên sống chung. Nhờ tránh được những mâu thuẫn với con cái, hiện tại người đàn ông U80 này vẫn sống rất thoải mái, vui vẻ.
Sau khi nghỉ hưu, cuộc sống của ông Lâm khá êm đềm. Ông sống 1 mình cùng vợ trong ngôi nhà nhỏ, dù không giàu có nhưng vẫn đầm ấm, hạnh phúc. Khi vợ chồng ông Lâm nghỉ hưu, các con của họ đều đã trưởng thành. Cụ ông này từng nuôi các con ăn học, tạo mọi điều kiện tốt nhất để chúng phát triển. Vì vậy, họ thành đạt, sống dư dả về vật chất.
Ông Lâm vốn không cần cuộc sống giàu sang, phú quý. Xuất phát từ 1 vùng nông thôn nên từ khi còn trẻ vợ chồng ông đã sống rất giản dị, vượt lên mọi khó khăn để nuôi các con khôn lớn. Khi về hưu, ông nhận được lương hưu khoảng 2.000 NDT/tháng (7 triệu đồng).
Nghỉ hưu vài năm, ông Lâm chứng kiến vợ bị đột quỵ và bị liệt cả người. Từ đó trở đi, ông là người chăm sóc cho vợ. Các con của cụ ông này đều bận công việc và gia đình trên thành phố nên không thể trở về thường xuyên cũng không thể chăm sóc mẹ. Vì ông Lâm còn khỏe nên ông chăm sóc cho vợ chu toàn, kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, vợ ốm nhiều năm, ông Lâm cũng hao tâm tổn sức. Vì vậy 1 lần họp gia đình, cụ ông U80 đã ngỏ ý nói với các con liệu có nên thuê người giúp việc hoặc phân chia nhau chăm mẹ hay không. Thế nhưng cả 2 ý kiến trên của ông Lâm đều bị bác bỏ. Ông hiểu rằng các con đều đã có cuộc sống riêng, việc mong đợi chúng chăm sóc bố mẹ lâu dài là không thể.
Sau hơn 2 năm, vợ ông Lâm qua đời vì sức khỏe ngày càng suy giảm. Ông vẫn sống 1 mình ở căn nhà nhỏ dù sức khỏe cũng yếu đi dần. Tuy nhiên, thời gian này cụ ông U80 cũng suy nghĩ rất nhiều về cuộc sống khi về già. Ông đắn đo không biết nên quyết định sống 1 mình hay tới ở cùng các con để sau này được con chăm lo.
Vì 1 lời nói của con mà quyết định sống 1 mình
Vì vậy, cụ ông nghĩ ra 1 phương án “thử lòng” các con. Trong ngày giỗ vợ, ông gọi các con đến cạnh và nói rằng: “Hiện tại bố cũng đã già rồi, nay ốm mai đau, lại sống xa các con. Bố chỉ muốn sau này có chỗ dựa vững chắc là các con, vậy bố có thể chuyển tới nhà các con sống chung hay không?”Trước lời bộc bạch của ông Lâm, cô con gái không đồng ý. Cô nói rằng mình còn sống với chồng nên việc này hơi khó xử. Cô không muốn bố ở cùng vì sợ xảy ra mâu thuẫn với gia đình nhà chồng. Nghe xong, con trai duy nhất của ông Lâm lại rất hồ hởi, nói rằng sẽ tới đón bố về ở chung. Tuy nhiên câu nói sau đó của con làm ông Lâm chết lặng: “Lương hưu của bố hiện là 7 triệu đồng, bố chỉ cần đưa cho con để con lo toan sinh hoạt cho bố là được”.
Nghe xong ý kiến của các con, cụ ông ngoài 70 tuổi cũng hiểu hơn về suy nghĩ của con. Ông đưa ra quyết định dứt khoát là sẽ sống 1 mình chứ không đi đâu cả. Ông nghĩ rằng vì tiền bạc mà tình thân có thể sẽ rạn nứt nên tốt nhất ông lường trước để tránh mâu thuẫn đáng tiếc trong gia đình.
Kể từ ấy trở đi, ông Lâm lên kế hoạch chi tiêu chi tiết để tránh khủng hoảng tài chính. Dù lương hưu không nhiều nhưng ông sống rất tiết kiệm nên vẫn có tiền trang trải sinh hoạt, thuốc men nếu ốm đau và có thêm 1 khoản tiền tiết kiệm nho nhỏ hàng tháng. Cụ ông U80 tin rằng ông sẽ sống bình yên với cách chi tiêu này và không phải dựa dẫm vào bất kỳ ai cả.
Nếu chúng ta muốn hạnh phúc và yên ổn khi về già, thì trước hết ta vẫn nên tự chủ về tài chính. Đây sẽ là “bùa hộ mệnh” để mỗi người có thể tự lo cho chính mình mà không cần phiền bất kỳ ai. Con cái rồi cũng sẽ có cuộc sống riêng. Chúng ta không nên cố gượng ép để dung hòa 2 thế hệ với nhau để vướng phải những mâu thuẫn không đáng có.
Theo Toutiao