Uber phải ngừng kinh doanh vận tải
Bộ GTVT mới đây đã không chấp thuận Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng mà Uber đưa ra.
Dịch vụ taxi Uber đang gặp khó tại Việt Nam. |
Theo giải thích, Đề án có nhiều nội dung chưa phù hợp với công văn số 1850/TTg của Thủ tướng và quyết định số 24/QĐ-BGTVT của bộ GTVT về kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Cũng theo bộ GTVT, Đề án thí điểm chưa làm rõ được quyền và trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ đối với hành khách, cũng như chưa có quy chế phối hợp, giải quyết các khiếu nại của hành khách. Uber Việt Nam cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ thực hiện đúng quy định của pháp luật Việt Nam, như quy định về thương mại điện tử, ứng dụng Uber có tính năng hoạt động tương tự ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử. Uber cần thực hiện các thủ tục đăng ký ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với bộ Công thương.
Bên cạnh đó, bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng việc ủy quyền của Công ty Uber BV (công ty mẹ ở Hà Lan) cho Công ty TNHH Uber Việt Nam tham gia Đề án thí điểm là chưa phù hợp, không đảm bảo ràng buộc trách nhiệm của Công ty Uber BV. Thay vào đó, nếu muốn hoạt động, Uber ở Hà Lan phải là đơn vị trực tiếp đăng ký tham gia.
Được biết, Uber hoạt động trên nền tảng công nghệ xuyên biên giới. Khi khách hàng đặt lệnh gọi xe, tức là khách đã thực hiện một yêu cầu gửi tới máy chủ của Uber ở Hà Lan. Sau đó, hệ thống sẽ kết nối thông tin của khách hàng và tài xế cùng có nhu cầu thực hiện dịch vụ tại Việt Nam.
Không “cấm cản” Uber hoạt động ở Việt Nam
Trao đổi với VnExpress, Thứ trưởng bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường khẳng định không có chuyện Bộ cấm Uber hoạt động taxi tại Việt Nam, mà thay vào đó cơ quan này chỉ từ chối Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của Uber. Hiện tại Bộ yêu cầu Uber Việt Nam phải bổ sung và hoàn thiện một vài thủ tục pháp lý để đảm bảo hoạt động kinh doanh theo đúng quy định hiện hành.
Ông Trường cho biết thêm: “Ở đây không phải cấm họ (Uber Việt Nam - PV) hoạt động. Nhưng từ trước tới nay, quan điểm của Uber là họ không tham gia hoạt động vận tải mà chỉ cung cấp dịch vụ phần mềm cho hoạt động vận tải. Tuy nhiên, bất cứ doanh nghiệp nào muốn hoạt động thì phải có đăng ký ngành nghề kinh doanh, hiện Uber mới đăng ký ‘hoạt động tư vấn quản lý’ và ‘nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận’ chứ chưa đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ xe vận tải hợp đồng nên cần bổ sung”.
Để được hoạt động tại Việt Nam, Uber cần chuyển sang hướng “hỗ trợ vận tải”. |
CEO Uber Việt Nam - ông Đặng Việt Dũng cho biết, để phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, công ty này đã quyết định đổi chữ “kết nối vận tải” thành “hỗ trợ vận tải”. Bên cạnh đó, Uber cũng dự kiến thành lập một công ty mới tại Việt Nam để thực hiện đề án thí điểm.
Tại sao Grab không bị cấm?
Cùng với Uber, Grab cũng trình lên bộ GTVT Đề án thí điểm triển khai ứng dụng công nghệ để quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng. Khác với Uber, Grab đã được chấp thuận khi bộ GTVT cho phép GrabTaxi được phép triển khai thí điểm trong 2 năm.
Trong thực tế Grab có hai dịch vụ là GrabCar và GrabTaxi, nhưng chỉ có tên GrabTaxi được duyệt trong Đề án. Điều đó có nghĩa Grab sẽ chỉ được cung cấp GrabTaxi nhằm hỗ trợ lái xe ô tô các doanh nghiệp vận tải tại 5 địa phương là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh và Khánh Hòa cài đặt ứng dụng kết nối vào thiết bị di động. Các doanh nghiệp này phải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách và các phương tiện bắt buộc phải trang bị thiết bị giám sát hành trình.
Trao đổi về việc Đề án của Grab được phê duyệt, CEO Uber cho biết với Zing rằng: “Chúng tôi có thể làm đề án giống như Grab nhưng điều này sẽ khiến cho Uber hoạt động hơi giống với hãng taxi. Trong khi đó, Uber muốn hoạt động đúng bản chất là một công ty công nghệ làm dịch vụ kết nối vận tải”.
Ông Trường cho rằng, việc ứng dụng CNTT, kết nối hành khách với doanh nghiệp vận tải như Grab hay Uber vừa qua là cách làm sáng tạo và có nhiều ưu điểm, giúp thay đổi phương thức kinh doanh vận tải truyền thống, minh bạch hóa hợp đồng vận tải, giá phí...
“Nhưng trong thực tế, Grab sử dụng xe có biển hiệu, biển số, đã đóng thuế, hoạt động an toàn với cả người lái, hành khách... và công khai. Còn Uber sử dụng xe nhàn rỗi để tham gia vận chuyển. Để được thông qua, lẽ ra các xe Uber phải đăng ký vào một doanh nghiệp vận tải hoạt động đúng luật, có thể kiểm tra bất cứ lúc nào và dễ dàng quản lý trên hệ thống”, ông Trường nói thêm.
Kiến An