Ngày 9/1 (giờ địa phương), Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, trực thăng chiến đấu Ka-52M của Moscow đã "xóa sổ" một cứ điểm của quân đội Ukraine ở khu vực biên giới Kursk.
"Các phi công đã phóng tên lửa và phá hủy một cứ điểm, thiết bị và nhân lực của quân đội Ukraine, nhằm hỗ trợ Nhóm tác chiến phía Bắc", Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố.
Sau khi tấn công vào cứ điểm Ukraine, trực thăng Ka-52M đã tìm cách tránh các đòn tấn công của hệ thống tên lửa đất đối không di động của đối phương.
Lực lượng Nga cũng triển khai máy bay chiến đấu Su-35S để yểm trợ trên không cho máy bay tấn công và trực thăng chiến đấu nhằm tấn công xe tăng và binh lính Ukraine ở Kursk. Su-35S đã thời phát hiện các địa điểm phòng không của quân đội Ukraine trong khu vực.
Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Nga, tổn thất của Ukraine ở Kursk lên tới hơn 50.000 quân kể từ khi Kiev mở chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Nga vào tháng 8/2024.
Lực lượng Kiev cũng mất hàng nghìn phương tiện và thiết bị quân sự trong 5 tháng giao tranh.
Tỉnh Kursk hiện là một trong những mặt trận nóng nhất trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga thừa nhận lực lượng Kiev đã thực hiện một số nỗ lực phản công, nhưng không thành công, nhằm ngăn chặn bước tiến của quân đội Nga ở khu vực Kursk.
Người đứng đầu Cơ quan Phân tích Chính trị - Quân sự Nga Alexander Mikhailov cho rằng, bằng cách nỗ lực phản công ở Kursk vào đầu tháng 1, Kiev đang tìm cách gây ảnh hưởng trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Tuy nhiên, ông Mikhailov cho rằng đây là một thất bại với Kiev.
Theo vị chuyên gia, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang đổ tất cả nguồn lực có sẵn vào Kursk.
Trong khi đó, Hãng thông tấn nhà nước Ukraine (Ukrinform) dẫn lời ông Vadym Mysnyk, người phát ngôn của Nhóm Chiến dịch - Chiến thuật Siversk cho biết, việc Ukraine tiến hành chiến dịch ở tỉnh Kursk của Liên bang Nga đã thay đổi đáng kể toàn bộ tình hình chiến lược tại tiền tuyến.
Theo đó, Moscow buộc phải tập trung lực lượng tại đây và khu vực này đang diễn ra những cuộc pháo kích mạnh mẽ nhất.
Chuyên gia về quân sự tại tạp chí Anh The Economist – ông Shashank Joshi thì cho rằng, Ukraine thực hiện việc tiến công để khiến lực lượng Nga phải chuyển về thế phòng thủ. Bên cạnh đó, ông cũng không loại trừ khả năng cuộc tấn công của Ukraine có thể đóng vai trò là "con bài mặc cả" trước các cuộc đàm phán ngoại giao dự kiến diễn ra sau khi Tổng thống đắc cử Trump nhậm chức.
Gần đây, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng các vị trí của Ukraine ở Kursk là "quan trọng" vì chúng sẽ đóng vai trò trong các cuộc đàm phán tương lai.
Tổng thống đắc cử Trump nhiều lần tuyên bố rằng ông có ý định chấm dứt xung đột Nga - Ukraine càng sớm càng tốt, mặc dù ông không nói rõ bằng cách nào. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tỏ ra hoài nghi về việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Kế hoạch thực sự của Tổng thống đắc cử Trump sẽ rõ ràng hơn sau khi ông nhậm chức vào ngày 20/1.