Ukraine dọa tấn công hạ tầng năng lượng Nga
Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng Kiev sẵn sàng tấn công cơ sở hạ tầng dầu khí của Nga nếu Moscow tăng cường nhắm mục tiêu vào hệ thống điện của Ukraine vào mùa đông năm nay.
Bộ trưởng Galushchenko phát biểu với tờ Politico (Mỹ) sau một cuộc gặp với các quan chức và các nhà lập pháp trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Galushchenko cho biết, Nga thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào mạng lưới điện của Ukraine và dự kiến sẽ tăng cường các cuộc tấn công này hơn nữa khi mùa đông tới và người dân phụ thuộc nhiều vào năng lượng để sưởi ấm.
Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko (trái) và Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Jennifer Granholm (phải) tại Croatia vào tháng 3/2023. Ảnh: AP
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay, nước ông sẽ "đáp trả" nếu Nga tăng cường tấn công vào lưới điện của Ukraine vào mùa đông này.
Khi được hỏi rằng liệu "phản ứng" của ông Zelensky có thể bao gồm việc Ukraine nhắm mục tiêu tấn công vào các hoạt động dầu khí của Nga hay không, Bộ trưởng Galushchenko trả lời: “Đó là điều công bằng”.
"Khi đáp trả [cuộc tấn công của Nga], chúng tôi sẽ đáp trả bằng cách tiếp cận tương tự, tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của họ," Bộ trường Năng lượng Ukraine trả lời.
Dầu khí hiện vẫn là động lực kinh tế lớn nhất của Nga.
Ông Galushchenko nhấn mạnh ông không phải là thành viên của quân đội Ukraine và không thảo luận về khả năng nhắm mục tiêu vào các hoạt động năng lượng của Nga với các quan chức chính phủ Mỹ. Ông là thành viên của hội đồng quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine.
Politico nhận định, điều này có thể mở ra khả năng xung đột ở châu Âu và có thể gây thêm bất ổn cho thị trường năng lượng toàn cầu.
"Thế giới sẽ xoay xở được"
Châu Âu đã cắt giảm đáng kể sự phụ thuộc vào dầu và khí đốt tự nhiên của Nga, phần lớn nhờ vào việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ. Tuy nhiên, Nga vẫn bán được khối lượng lớn khí đốt của mình cho Trung Quốc và Ấn Độ, giúp kiềm chế giá dầu.
Bộ trưởng Galushchenko hạ thấp lo ngại rằng việc tấn công vào khả năng xuất khẩu hoặc vận chuyển dầu cũng như khí đốt của Nga sẽ khiến giá năng lượng tăng đột biến. Ông cho rằng các nhà sản xuất khác có thể bù đắp nguồn cung.
"Các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng (khí đốt và dầu mỏ của Nga) sẽ không quá ảnh hưởng tới giá khí đốt. Những loại nhiên liệu đó có thể mua được ở nơi khác. Tôi chắc chắn rằng thế giới có thể xoay xở được."
Đức và các nước châu Âu khác cũng đang đối mặt với tình trạng dư thừa khí đốt dự trữ do tình hình thời tiết ấm áp.
Ông Galushchenko cho biết, ông cũng đang thúc đẩy các lệnh trừng phạt nhắm vào ngành công nghiệp hạt nhân của Nga - bao gồm công ty năng lượng hạt nhân Rosatom do nhà nước kiểm soát. Điều này là để buộc người Nga rời khỏi tổ hợp nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine mà Moscow đang chiếm giữ từ đầu năm 2022.
Nhiên liệu và công nghệ hạt nhân là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nga. Ngay cả khi Mỹ và châu Âu cắt giảm nhập khẩu dầu và khí đốt của Moscow, các nước này vẫn chi hàng trăm triệu USD để mua nhiên liệu và công nghệ hạt nhân Nga.