Trong tập 8 "Whose Chance - Cơ hội cho ai?" mùa 5 có sự xuất hiện của 2 ứng viên Võ Ngọc Duy Quang và Lê Ngọc Quỳnh Trang tạo nên cuộc tranh tài kịch tính.
Ứng viên Võ Ngọc Duy Quang (33 tuổi đến từ TP. Hồ Chí Minh), tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Webster (Mỹ), cử nhân Quản trị Du lịch tại Đại học Scross (Úc), tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh du lịch và Khách sạn tại Viện Quản trị Du lịch Singapore (TMIS).
Bên cạnh hành trình du học khắp 3 châu lục, ứng viên Duy Quang còn có hơn 12 năm kinh nghiệm làm việc đa vị trí và cấp bậc tại các công ty quốc tế trong lĩnh vực khách sạn, resort, casino, hãng hàng không và công ty đối tác, hỗ trợ kinh doanh cho doanh nghiệp (MPO) từ Singapore, Dubai và Thái Lan và hơn 7 năm kinh nghiệm trong ngành đào tạo.
Với kinh nghiệm đã được tích lũy thời gian dài ở môi trường quốc tế, Duy Quang tự tin trở về đóng góp cho đất nước. "Em tin chắc rằng với những trải nghiệm và kinh nghiệm, em sẽ là ứng cử viên thích hợp trong tương lai nếu các Sếp muốn 'go global' hoặc toàn cầu hóa hoặc làm hệ thống các bộ phận một cách bài bản hơn", nam ứng viên tự tin chia sẻ.
Ứng viên số 2 là Lê Ngọc Quỳnh Trang (29 tuổi, đến từ tỉnh Bình Phước). Cô tốt nghiệp Trung cấp ngành Văn hóa Du lịch, hiện đang học liên thông đại học ngành Báo chí. Trong hành trình phát triển sự nghiệp, Quỳnh Trang đã đạt một số thành tích nổi bật như: Top 30 nhân viên bán hàng xuất sắc toàn quốc 2019; Quản lý 5 cửa hàng bán lẻ đạt top doanh thu khu vực tại Bình Dương, Lâm Đồng; đạt giải Nhất người dẫn chương trình TP. Thủ Dầu 1 năm 2017. Ngoài ra cô đã đạt chứng nhận nâng cao năng lực quản lý cấp trung, sơ cấp kế toán doanh nghiệp, chứng chỉ đào tạo viên nội bộ.
Có hành trình du học khắp 3 châu lục
Bước vào vòng Đối mặt với chủ đề tranh biện: "Theo bạn lương có phải là rào cản khiến các du học sinh e ngại về nước làm việc hay không?", ứng viên Quỳnh Trang nhận được quyền trình bày trước.
Theo quan điểm của Trang, mức lương không phải rào cản lớn khiến du học sinh ngại về nước bởi ngoài ra, còn có chính sách phúc lợi, cơ hội thăng tiến. Nếu đảm bảo các yếu tố trên, du học sinh sẽ không ngại về quê hương để đóng góp khi đã tiếp thu tinh hoa trên thế giới.
Cũng theo nữ ứng viên, phúc lợi để thu hút du học sinh về nước cống hiến phải bao gồm: Phúc lợi đào tạo và môi trường làm việc. Ngoài ra, với bản thân Quỳnh Trang, cô còn quan tâm đến phúc lợi về sức khỏe.
Đến phần trình bày của Duy Quang, mặc dù anh không hoàn toàn đồng ý với quan điểm đưa ra trong chủ đề nhưng anh vẫn khẳng định: "Lương là một chướng ngại khiến các bạn trẻ sau khi du học ngại về Việt Nam, nhưng không phải là tất cả.
Nếu đã tốt nghiệp ở môi trường quốc tế, bạn nên ở lại làm việc trong một vài năm để trải nghiệm về văn hóa, con người và cách quản lý nhân sự. Nhờ đó sẽ học hỏi được những điều hay, sau đó quay về nước để có thể áp dụng kiến thức tốt hơn".
Quỳnh Trang cũng đã đặt ra câu hỏi khá thú vị cho Duy Quang: "Anh có chấp nhận về Việt Nam làm việc với mức lương thấp để được gần gia đình?". Duy Quang cho rằng, mức lương đưa ra phải thích hợp với kinh nghiệm và trải nghiệm. Quang nghĩ doanh nghiệp sẽ là người đàm phán để đưa ra quyết định cuối cùng" Đặc biệt ứng viên Duy Quang gây ấn tượng sâu khắc khi kể về trải nghiệm trong thời gian làm việc cho hãng hàng không Emirates Airlines tại Dubai.
Nam ứng viên cho biết: "Em may mắn được tuyển dụng làm nhân viên mặt đất tại sân bay, sau đó có cơ duyên hỗ một người công nhân xây dựng bị tịch thu hộ chiếu tại Dubai và không thể trở về Việt Nam. Họ đã nhảy lên máy bay bất chấp nguy hiểm của bản thân và các hành khách trên chuyên bay. Em đã thuyết phục người công nhân đó và cố gắng giúp họ được về nước an toàn. Sau đó, em được làm việc với bộ phận huấn luyện về dịch vụ khách hàng của hãng hàng không".
Kết thúc phần vòng Đối mặt, ứng viên Duy Quang được ⅗ Sếp bình chọn, giành tấm vé bước tiếp vào vòng trong.
Màn chốt 'deal' không thành công
Vừa bước vào vòng Chinh phục, Sếp Hoàng Nam Tiến đã hỏi Duy Quang muốn tiếp tục học lên Tiến sĩ không? Bởi nếu có bằng Tiến sĩ thì cực kỳ thuận lợi để trở thành giảng viên tại Đại học FPT.
Tiếp tục phần hỏi đáp để thấu hiểu ứng viên, sếp Vũ Linh và ứng viên Duy Quang đã có phần đối thoại tiếng Anh cực mượt để biết môi trường làm việc yêu thích và cách để các doanh nghiệp ở Việt Nam có môi trường làm việc lý tưởng.
Còn Sếp Trung Hiếu lại thử thách ứng viên với câu hỏi đầy tính chuyên môn là làm thế nào để cán bộ nhân viên vừa chạy deadline nhưng vẫn vui vẻ đi đào tạo?
Bằng kinh nghiệm và trải nghiệm của mình, Duy Quang đã chia sẻ: "Như môi trường hiện tại em đang làm việc có một website để học. Ở đó có mini game về kiến thức về doanh nghiệp, marketing,… Chúng em khuyến khích tất cả các bạn nhân viên trong tổ chức mỗi ngày đăng nhập vào website như một thói quen và hình thành tư duy không ngừng học tập.
Chúng em muốn sau khi các bạn không còn làm cho doanh nghiệp nữa vẫn có thể tiếp tục tự học để nâng cao kiến thức. Ngoài ra, website cũng cho phép các bạn tích lũy điểm để đổi thưởng là sản phẩm của công ty".
Kết thúc phần Chinh Phục, Duy Quang nhận được 2 đèn xanh từ Sếp Hoàng Nam Tiến và Sếp Trung Hiếu và tiếp tục được vào vòng 3 - Cơ hội cho ai. Nam ứng viên tự tin đề xuất mức lương 38.000.000 VNĐ, tuy nhiên vị trí mà 2 Sếp offer cho ứng viên không đáp ứng được mức lương kỳ vọng.
Sếp Tiến đề xuất vị trí Giảng viên Quản trị kinh doanh nếu đủ chứng chỉ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo với mức lương 20.000.102 VNĐ. Còn sếp Hiếu đề xuất vị trí Trưởng phòng đào tạo kiêm hỗ trợ dự án xuất nhập khẩu với mức lương 33.868.686 VNĐ.
Mặc dù có thể sử dụng quyền thương lượng nhưng Duy Quang đã từ chối làm việc với lý do: "Đối với những gì em thể hiện thì các Sếp ở đây đã đánh giá được khả năng của em tới đâu. Em nghĩ khả năng và sự thể hiện ngày hôm nay chưa đạt được mức lương như em kỳ vọng. Nhưng điều đó cũng là động lực cho em để cố gắng hơn".