Mới đây, MoMo cho biết, đơn vị này phối hợp với Công ty Cổ phần Chứng khoán CV (CVS) để ra mắt sản phẩm chứng khoán. Theo đó, người dùng MoMo có thể mua bán, giao dịch chứng khoán ngay trên ứng dụng ví điện tử này.
Hồi 2022, Công ty Cổ phần Dịch vụ di động trực tuyến (M_Service), đơn vị sở hữu Ví điện tử MoMo, đã hoàn tất giao dịch mua lại 4,4 triệu cổ phiếu của CVS, tương đương tỷ lệ nắm giữ 49%.
Cũng theo MoMo, người dùng có thể mở tài khoản chứng khoán trực tuyến, làm quen với việc mua bán, giao dịch chứng khoán với số vốn ban đầu rất nhỏ, chỉ từ 1 cổ phiếu. Người dùng có thể lựa chọn đa dạng nguồn tiền để nạp/rút từ Ví MoMo hoặc ngân hàng liên kết.
Ở giai đoạn đầu, người dùng có thể mua chứng khoán bằng nguồn tiền của mình. Thời gian tới, thông qua ví, CVS sẽ cung cấp dịch vụ cho vay margin (ký quỹ) để mua chứng khoán, giúp người dùng mở rộng quy mô và đa dạng hóa khẩu vị đầu tư.
MoMo cho biết tính năng nổi bật nhất của sản phẩm chứng khoán trên MoMo chính là tự động tách lệnh tròn lô cho người dùng. Nhờ đó, người dùng có thể linh hoạt mua số lượng cổ phiếu theo nhu cầu mà không phải tự tính lô chẵn và lô lẻ hay phải tách lệnh, giúp trải nghiệm giao dịch chứng khoán liền mạch.
Tương tự, tài khoản chứng khoán trên ứng dụng ví điện tử ZaloPay được cung cấp bởi Công ty chứng khoán DNSE. Theo ZaloPay, DNSE có nghĩa vụ quản lý tách bạch tiền gửi giao dịch chứng khoán của từng khách hàng, đồng thời tách bạch tiền của khách hàng với tiền của công ty chứng khoán.
Phía ZaloPay cũng quảng bá “nhập môn đầu tư chỉ từ 1 cổ phiếu”. Cụ thể, “bắt đầu từ số vốn nhỏ, bạn có thể học cách đầu tư và trực tiếp sở hữu công ty bạn yêu thích chỉ với vài chục nghìn”.
Trải nghiệm sản phẩm này trên cả hai ứng dụng vào chiều 26/6, quy trình đăng ký tài khoản giao dịch chứng khoán với công ty chứng khoán diễn ra khá dễ dàng và suôn sẻ. Người dùng chỉ cần cung cấp các thông tin, giấy tờ nhân thân theo yêu cầu là được phê duyệt trong 10 phút hơn.
Tài khoản được phê duyệt trực tuyến, chủ tài khoản không cần in bản cứng, ký tươi và gửi về công ty chứng khoán. Các thao tác mua, bán chứng khoán cũng được thực hiện ngay trên ứng dụng ví điện tử.
Biểu phí giao dịch chứng khoán tại ví điện tử ra sao?
Theo biểu phí do MoMo công bố, giao dịch cổ phiếu, chứng quyền và chứng chỉ quỹ sẽ tính theo công thức 0,1% * Giá trị khớp lệnh trong ngày (phí đã bao gồm 0,027% do sở giao dịch chứng khoán thu). Giao dịch trái phiếu niêm yết là 0,1%.
Nhà đầu tư trong nước đóng tài khoản phải trả 100.000đ/tài khoản. Phí lưu ký lưu ký cổ phiếu, chứng quyền, chứng chỉ quỹ là 0,27đ/1 chứng khoán/tháng.
Biểu phí trên có khác đôi chút với các công ty chứng khoán khác trên thị trường. Chẳng hạn FPTS, giao dịch cổ phiếu/chứng chỉ quỹ/ETF/chứng quyền dưới 2 tỷ thì phí là 0,11% (có chuyên viên hỗ trợ) và 0,055% với giao dịch chủ động. Phí lưu ký tại FPTS thu 0,27 đồng/cổ phiếu và/hoặc tương đương/tháng.
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm 132.010 tài khoản trong tháng 5/2024, cao hơn 21.000 tài khoản so với mức tăng của tháng 3 trước đó.
Xét về cơ cấu, số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm trong tháng 5 vẫn chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân với 131.839 tài khoản. Trong khi đó, tài khoản của nhà đầu tư tổ chức chỉ tăng thêm 171 tài khoản.
Luỹ kế từ đầu năm, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng gần 645.000 tài khoản. Tổng số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tính đến cuối tháng 5 lên đến gần 7,9 triệu tài khoản, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân có hơn 7,87 triệu tài khoản, tương đương gần 8% dân số.