Các chuyên gia Bulgarian Military cho biết, hơn một nửa phi đội MiG-29SMT của Nga đang bị bỏ hoang, rỉ sét tại Căn cứ Không quân Kursk. MiG-29SMT từng được ca ngợi là bước đột phá hướng tới việc trẻ hóa phi đội MiG-29 đang già cỗi của Nga, tuy nhiên kế hoạch hiện đại hoá mãi chỉ là lời hứa xa vời.
Vào đầu những năm 2000, Không quân Nga đã sử dụng khoảng 40 chiếc MiG-29 để chuẩn bị cho kế hoạch hiện đại hoá. Mục tiêu rất tham vọng, nhằm sử dụng thiết kế cũ của Liên Xô và biến nó thành máy bay chiến đấu đa năng và linh hoạt hơn.
Kế hoạch nâng cấp dở dang
Các nâng cấp bao gồm hệ thống điện tử hàng không hiện đại, bình nhiên liệu lớn hơn để có tầm hoạt động xa hơn, hệ thống radar và vũ khí tiên tiến, tất cả đều được thiết kế để biến MiG-29SMT trở thành một chiến đấu cơ hiệu quả hơn trong không chiến hiện đại. Tuy nhiên, dự án thiếu hụt kinh phí trầm trọng. Cuối cùng, chỉ có một lô nhỏ máy bay được chuyển đổi, còn phần lớn phi đội bị bỏ lại ngổn ngang.
Theo tài khoản Eastern Order of Battle trên mạng xã hội X, tình hình tại Kursk rất ảm đạm. Hơn một nửa phi đội MiG-29SMT hiện đang bị bỏ hoang, rỉ sét và dần xuống cấp ở những nơi xa xôi của căn cứ không quân. Câu hỏi đặt ra là: tại sao một phần đáng kể những máy bay chiến đấu này lại bị để cho xuống cấp đến mức như vậy?
Trong khi một số ít MiG-29SMT đã được chuyển đến Cơ sở bảo dưỡng máy bay 514 vào năm 2021 để nâng cấp hoặc bảo dưỡng và kể từ đó, thông tin về những chiếc máy bay này cũng biến mất. Sự im lặng này khiến nhiều người tự hỏi rằng, liệu những chiếc máy bay này có đang được sửa chữa để phục vụ trong tương lai hay là bị bỏ rơi.
Nỗ lực hiện đại hóa MiG-29SMT có vẻ giống một biện pháp tạm thời hơn là một giải pháp lâu dài. Mặc dù có thể kéo dài tuổi thọ của MiG-29 thêm vài năm nữa, nhưng nó đã không cung cấp một máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo thực sự có khả năng cạnh tranh với các nền tảng mới hơn. Kết quả là, SMT nhanh chóng tụt hậu, bị lu mờ bởi Su-35 và Su-57, cả hai hiện đóng vai trò là xương sống trong Không quân Nga.
Các nỗ lực xuất khẩu cũng không mấy thành công. Các quốc gia như Algeria, ban đầu quan tâm đến MiG-29SMT, cuối cùng đã từ chối máy bay này do lo ngại về chất lượng và độ tin cậy của các hệ thống.
Gần đây, các báo cáo về việc Nga chuyển giao vũ khí cho Triều Tiên đã khơi dậy lại sự quan tâm đến phi đội MiG-29SMT. Mặc dù không có bằng chứng xác thực nào xác nhận rằng MiG-29SMT là một phần của đợt chuyển giao này, nhưng sự bí mật đang diễn ra xung quanh các cuộc trao đổi quân sự giữa Nga và Triều Tiên, khiến điều này trở thành một khả năng đáng để.
Khả năng đa nhiệm và hệ thống điện tử hàng không hiện đại của SMT sẽ là một bản nâng cấp đáng kể cho Không quân Triều Tiên, vốn vẫn dựa vào các mẫu MiG-29 từ những năm 1980.
Nguyên nhân của tình trạng này
Tình trạng của phi đội MiG-29SMT tại Kursk cho thấy một cái nhìn sâu sắc về chiến lược không quân rộng lớn hơn của Nga. Đối với một quốc gia rất tự hào về khả năng hiện đại hóa phương tiện chiến đấu cũ, thì việc rất nhiều MiG-29SMT hiện đang nằm im, bị bỏ rơi trong góc của một căn cứ không quân bị lãng quên là điều đáng để bàn luận.
Sự sao nhãng này đặt ra câu hỏi: Phải chăng Nga đã hết tiền để duy trì các máy bay chiến đấu này, hay họ đã quyết định chuyển trọng tâm sang các nền tảng mới hơn, tiên tiến hơn?
Có thể cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine đã gây sức ép lên các nguồn lực quân sự của Nga, buộc Không quân phải ưu tiên bảo trì và triển khai các hệ thống mới hơn, trong khi để các máy bay cũ hơn như MiG-29SMT rơi vào tình trạng hư hỏng.
Những chiếc MiG-29SMT tại Kursk vẫn chưa được đưa đến bãi phế liệu, có lẽ những chiếc máy bay này đang được giữ lại để phục vụ cho mục đích tân trang hoặc thậm chí là chuyển giao cho các đồng minh như Triều Tiên. Nga có truyền thống lâu đời trong việc chuyển giao các thiết bị quân sự cũ cho các quốc gia đang cần, từ xe tăng đến máy bay chiến đấu và không khó để tưởng tượng ra số phận tương tự đối với những chiếc MiG đang xuống cấp này.
Ngoài ra, máy bay có thể được tháo rời để lấy phụ tùng, với các thành phần có thể sử dụng được để cung cấp cho các máy bay MiG-29 khác đang hoạt động. Bất kể tương lai của phi đội MiG-29SMT diễn ra như thế nào, nhưng tình hình tại Kursk là lời nhắc nhở nghiêm túc về những hạn chế của các chương trình hiện đại hóa tạm thời.
Trong bố cảnh, Không quân Nga đang tập trung vào các máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo như Su-35 và Su-57, MiG-29SMT khó có thể giành được sự quan tâm và đầu tư.
Sự suy yếu nhanh chóng của MiG-29SMT tại Kursk cũng làm nổi bật một vấn đề rộng hơn trong chiến lược quốc phòng của Nga: làm thế nào để hiện đại hóa các hệ thống cũ mà không làm quá tải nguồn lực? MiG-29SMT, giống như rất nhiều nền tảng khác trong kho vũ khí của Nga, cuối cùng có thể là nạn nhân của những tính toán sai lầm về mặt chiến lược và những yêu cầu thay đổi nhanh chóng của chiến tranh hiện đại.
Hiện tại, MiG-29SMT vẫn nằm trong biên chế Không quân Nga, nhưng nó là lời nhắc nhở nghiêm khắc rằng, trong thế giới hàng không quân sự, ngay cả những nâng cấp tiên tiến nhất cũng có thể bị bỏ rơi nếu chúng không có một kế hoạch phát triển phù hợp.
Quang Hưng