Với điểm chỉ số là 0,7709 - chỉ số EGDI của Việt Nam năm 2024 tăng 15 bậc so với năm 2022 và được xếp vào nhóm các nước có EGDI ở mức “rất cao” và cao hơn so với Chỉ số EGDI trung bình của thế giới (0.6382), của khu vực châu Á (0.6990), cũng như của khu vực Đông Nam Á (0.6928).
Các nước có EGDI ở mức “rất cao” chỉ chiếm có 39,4% các quốc gia tham gia bình chọn của Liên Hợp Quốc.
EGDI được chia làm 04 mức (Rất cao: Chỉ số lớn hơn 0,75; Cao: Chỉ số từ 0,5 đến 0,75; Trung bình: Chỉ số từ 0,25 đến 0,5; Thấp: Nhỏ hơn 0,25).
Kết quả này khẳng định Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu đặt ra năm 2024 về xếp hạng Chính phủ điện tử: Tăng ít nhất 5 bậc tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.
Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đã vượt Brunei để vươn lên vị trí thứ 5 trong 11 nước (tăng 1 bậc so với năm 2022). Bốn nước có vị trí cao hơn Việt Nam là Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia, trong đó Singapore tăng 9 bậc và vươn lên xếp thứ 3 trên toàn thế giới.
Báo cáo cho thấy, Việt Nam đã vượt Brunei để vươn lên vị trí thứ 5 trong 11 nước Đông Nam Á, tăng 1 bậc so với năm 2022, đứng sau Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Các nước này đa phần đều ghi nhận sự tăng trưởng về thứ bậc trong năm, Singapore tăng 9 bậc và vươn lên xếp thứ 3 trên toàn thế giới; Philippines tăng 16 bậc; Việt Nam tăng 15 bậc; Indonesia tăng 13 bậc...
Liên Hợp Quốc cũng đánh giá cao Việt Nam về những nỗ lực trong việc cải tiến chất lượng dịch vụ công trực tuyến. So với 55 quốc gia trong nhóm có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam là một trong năm quốc gia (04 quốc gia khác là Ukraine; Mongolia; Uzbekistan và Philippines) có EGDI ở mức “Rất cao”.
Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử (EGDI) của Liên Hợp Quốc năm 2024 giới thiệu Khung mô hình Chính phủ số mới, giúp các quốc gia tham khảo nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để phát triển bền vững. Khung mô hình Chính phủ số mới nhấn mạnh tới 6 động lực giúp phát triển chính phủ số là: Lãnh đạo số; Tập trung vào dữ liệu; Danh tính số hợp pháp; Tham gia điện tử hiệu quả; Văn hóa số và Hạ tầng số. Đặc biệt, Báo cáo cũng thông tin về vai trò của Trí tuệ nhân tạo (AI) đối với quản trị của khu vực công.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực để triển khai chuyển đổi số quốc gia nhằm phát triển kinh tế - xã hội, trong đó thực hiện các giải pháp để tiếp tục nâng cao thứ hạng Chỉ số chính phủ điện tử, chính phủ số của Việt Nam theo đánh giá của Liên hợp quốc; từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nguyên Đỗ