Bộ xử lý Intel 14th Meteor Lake đã chính thức ra mắt, mang lại hiệu suất đồ họa, khả năng AI và số lượng lõi cao, sẵn sàng để cạnh tranh với những chip laptop từ các đối thủ và đặc biệt là từ đối tác cũ - Apple. Intel cho biết Meteor Lake sẽ mang lại “hiệu năng thay đổi cuộc chơi” và tiết kiệm năng lượng. Theo Intel, đây là sự thay đổi kiến trúc SoC dành cho khách hàng lớn nhất trong 40 năm qua và tuy không trực tiếp nói đến, nhưng dường như Intel đang dùng Meteor Lake để nhắm vào các bộ vi xử lý dòng M cực kỳ phổ biến của Apple.
Intel Meteor Lake sẽ được chia thành hai dòng riêng biệt – Core Ultra-H và Core Ultra-U. Ban đầu, các CPU sẽ trả dài từ Core Ultra 5 đến Core Ultra 7, nhưng sẽ có Core Ultra 9 185H ra mắt vào năm 2024.
Thay đổi kiến trúc
Kiến trúc là nơi có nhiều thay đổi đáng chú ý nhất trên Meteor Lake. Đây là thế hệ mà Intel có kế hoạch tập hợp lộ trình của mình lại với nhau, thống nhất một số Tile từ nhiều nhà cung cấp trong khi vẫn tận dụng kiến trúc hybrid.
Bản thân CPU được xây dựng trên quy trình Intel 4 (7nm) và Meteor Lake sẽ là CPU đầu tiên dùng quy trình này, Alder Lake và Raptor Lake trước đó sử dụng Intel 7 (10nm). Điều thú vị hơn là cách Intel thay đổi thiết kế để cạnh tranh với vi xử lý của Apple. Trên CPU Meteor Lake, Intel sử dụng công nghệ chiplet để sản xuất chip, một chip được tách thành nhiều module đảm nhận chức năng khác nhau mà Intel gọi là Tile.
Ngoài Tile xử lý (compute), Meteor Lake còn có các Tile GPU, IO và hệ thống trên chip (SoC) riêng biệt. Intel gọi cách tiếp cận của mình là “Kiến trúc hiệu suất 3D hybrid” (3D Performance Hybrid Architecture), theo công ty, Meteor Lake sẽ tăng sức mạnh cho Compute Tile và cách thiết kế các Tile phân tách với nhau sẽ giúp Intel phân bố lượng tiêu thụ điện khác nhau cho từng Tile tùy theo tính chất công việc đòi hỏi, tất cả đều được tối ưu hóa bằng công nghệ như Intel Thread Director để đảm bảo rằng các tác vụ đang được lên kế hoạch một cách hiệu quả.
Cụ thể các Tile được Intel phân bố như sau:
- Compute Tile: chứa lõi E và lõi P thế hệ mới nhất, cả hai đều có những cải tiến về kiến trúc vi mô, được xây dựng bằng quy trình Intel 4, hứa hẹn mang lại những tiến bộ về hiệu suất tiết kiệm năng lượng.
- SoC Tile: tích hợp Bộ xử lý thần kinh (NPU), giới thiệu các khả năng AI tiết kiệm năng lượng cho PC tương thích. Intel cũng đã giới thiệu các lõi E năng lượng thấp mới được kết nối trực tiếp vào kết cấu SoC trên Tile này và được thiết kế cho nhiều khối lượng công việc tiêu thụ năng lượng thấp, giúp tối ưu hóa hơn nữa hiệu suất tiết kiệm năng lượng. SoC cũng tích hợp Wi-Fi và Bluetooth, bao gồm Wi-Fi 6E, cũng như khả năng đa phương tiện, hỗ trợ codec 8K HDR và AV1, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn HDMI 2.1 và Display Port 2.1.
- GPU Tile: kết hợp kiến trúc Intel Arc Graphics, những cải tiến về khả năng đồ họa, kết hợp với hiệu quả sử dụng năng lượng được nâng cao, sẽ cho phép Meteor Lake đạt hiệu suất gấp 2 lần so với thế hệ trước.
- IO Tile: bao gồm các tính năng kết nối như hỗ trợ Thunderbolt 4 và PCIe Gen 5.0 tích hợp.
- Base Tile: lớp nền để bố trí những Tile trên
Cạnh tranh với Apple có vẻ như là một trong những mục tiêu chính của Intel, vì họ muốn cung cấp không chỉ CPU mà còn hệ thống máy tính trên một con chip, tương tự như bộ xử lý dòng M của Apple. Điều này được hỗ trợ bởi Intel Foveros, một công nghệ đóng gói chip đa khuôn mà Intel đã nghiên cứu trong nhiều năm.
Cách thiết kế kiến trúc này cũng có thể giúp Intel tạo ra các CPU có hiệu năng lớn và kèm theo đó hiệu quả năng lượng cao. Đây cũng là vấn đề mà chip của Intel bị Apple bỏ xa trong thời gian qua.
Intel đang sử dụng nhân Redwood Cove mới để tăng hiệu suất và nhân Crestmont để tăng hiệu quả năng lượng. Intel đang kết hợp hai loại nhân khác nhau để cung cấp số lượng lớn lõi mà không làm tăng mức tiêu thụ điện năng liên quan đến chúng. Intel cũng giới thiệu một loại lõi mới, lõi hiệu quả năng lượng thấp (low-power Efficient-cores, LPE), được thiết kế để xử lý các tác vụ đa luồng và tác vụ nền có thể mở rộng mà không tạo gánh nặng cho các lõi E truyền thống.
Intel sử dụng kiến trúc GPU Arc của riêng mình cho tất cả các chip. Intel đã kết hợp bộ tính năng hiện đại của vi kiến trúc Xe-HPG (High Performance Gaming) với thiết kế tiết kiệm năng lượng của vi kiến trúc Xe-LP (Low Power) để tạo ra vi kiến trúc Xe-LPG (Low Power Gaming) được sử dụng trong GPU Meteor Lake.
Ngoài các tile CPU và GPU, mỗi bộ xử lý Meteor Lake sẽ có một nhân xử lý AI chuyên dụng được gọi là bộ xử lý thần kinh (NPU). Nó sẽ giải quyết khối lượng công việc AI, cho phép tăng tốc AI ở mức năng lượng thấp mà không gây gánh nặng cho CPU và GPU.
Tất cả các chip Meteor Lake sẽ hỗ trợ kết nối Wi-Fi 7 và 6E cũng như RAM LPDDR5 và 5X, cũng như PCIe Gen 5 và Gen 4.
Intel đã xác nhận rằng Meteor Lake sẽ có mặt trên máy tính để bàn nhưng không ở dạng nâng cấp riêng biệt. Điều này có nghĩa là bạn sẽ không thể mua và cài đặt con chip này trong PC có sẵn của mình, nhưng nó sẽ được áp dụng cho những PC All-in-One, một điều nữa khiến chúng ta liên tưởng đến cách làm của Apple.
Một bước gần hơn đến mục tiêu đối đầu Apple Silicon
Apple và Intel có lịch sử đối tác lâu dài gần 15 năm, nhưng mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi Apple ra mắt chip tự thiết kế, tiến đến loại bỏ hoàn toàn những sản phẩm máy tính sử dụng chip Intel.
Trong buổi trò chuyện với chúng tôi, ông Greg “Joz” Joswiak, người hiện đang nắm giữ vị trí Phó chủ tịch cấp cao phụ trách Marketing toàn cầu của Apple, đã nói rằng công ty quyết định rời khỏi Intel vì chip của hãng “chưa mang lại hiệu suất mà chúng tôi cần”.
Với những thay đổi trong kiến trúc, Meteor Lake sẽ là một bước tiến đáng kể của Intel, giúp công ty bắt kịp Apple, đây cũng là kế hoạch mà CEO Intel Pat Gelsinger hướng tới. Gelsinger cho biết khi xem xét hiệu suất của tất cả các bộ phận xử lý, Intel kỳ vọng sẽ bắt kịp đối thủ bằng các sản phẩm trong tương lai. "Xem xét khả năng tổng hợp mà chúng tôi cung cấp, chúng tôi nghĩ rằng những nền tảng này sẽ trở nên rất cạnh tranh, cạnh tranh với nền tảng tốt nhất mà Mac hoặc bất kỳ nền tảng nào khác cung cấp”, Gelsinger cho biết vào tháng 9 khi nói về Meteor Lake.
Intel Meteor Lake sẽ mang lại hiệu suất trên mỗi watt, thời lượng pin tốt hơn và tính linh hoạt hơn cho các nhà sản xuất thiết bị, hứa hẹn sẽ là nhân tố thay đổi cuộc chơi đối với Intel, chứng tỏ khả năng đổi mới và cạnh tranh của công ty trong ngành công nghiệp bộ xử lý đang phát triển nhanh chóng.
Hiện tại, những laptop sử dụng chip Intel Core Ultra vẫn còn thưa thớt, vì vậy chỉ có thời gian mới trả lời được liệu những thay đổi của Intel có thể bắt kịp Apple hay không, nhưng ít nhất, Intel đã có nền tảng để bước vào một thời kỳ cạnh tranh mới trên thị trường bộ xử lý, nơi mà hãng bị khách hàng nhận xét là đã trì trệ trong những năm qua.