Xe cá nhân có thể sẽ phải lắp camera hành trình
Tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đang được lấy ý kiến, Bộ Công an đề xuất: Một trong những điều kiện để xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đó là có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình.
Điều này đồng nghĩa với việc, không chỉ xe ô tô kinh doanh vận tải, tới đây, ô tô cá nhân cũng bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát hành trình.
Theo quy định hiện hành, mới chỉ có ô tô kinh doanh vận tải phải bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình. Trong đó, chỉ có xe chở hành khách hoặc xe chở hàng hoá hạng nặng (xe đầu kéo, xe công – ten – nơ) mới bắt buộc phải lắp đặt camera giám sát.
Thống kê mới nhất thì cả nước hiện có hơn 1 triệu xe kinh doanh vận tải, chiếm 1/4 tổng số xe ô tô hiện có. Nếu cả ô tô cá nhân cũng phải lắp camera giám sát hành trình theo quy định của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông thì sẽ có thêm gần 4 triệu ô tô nữa phải thực hiện quy định này.
Rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ và kết nối tín hiệu đường bộ với đường sắt
Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, để tiếp tục thực hiện Đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, Cục ĐBVN đã có chỉ đạo rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ và kết nối tín hiệu đường bộ với đường sắt tại các tuyến quốc lộ.
Cục yêu cầu: Về hệ thống báo hiệu gồm vạch sơn, biển báo hiệu trên quốc lộ tại khu vực giao cắt còn tồn tại các Khu QLĐB, các Sở GTVT và các Nhà đầu tư BOT chủ động dùng kinh phí bảo dưỡng thường xuyên năm 2023 để bổ sung vạch sơn, biển báo theo quy định và báo cáo kết quả thực hiện về Cục ĐBVN trước 31/10/2023.
Về các điểm giao cắt chưa kết nối tín hiệu các Khu QLĐB, Các Sở GTVT và các Nhà đầu tư BOT chủ động làm việc với cơ quan quản lý đường sắt có thẩm quyền để xác định và thống nhất sự cần thiết của việc kết nối và xác định kinh phí và trách nhiệm thực hiện việc kết nối nếu cần thiết, lập biên bản thống nhất và gửi báo cáo về Cục ĐBVN trước 31/10/2023.
Theo số liệu thống kê của Cục ĐBVN, hiện có 72 vị trí quốc lộ giao cắt trực tiếp với đường sắt và đã thực hiện kết nối tín hiệu tại 30 vị trí giao cắt trong đó chưa kết nối tín hiệu tại 33 vị trí giao cắt; có 09 vị trí không thuộc trường hợp cần kết nối tín hiệu do là đoạn đường bộ đi chung với đường sắt (thuộc địa bàn quản lý của Sở GTVT Quảng Bình); 674 vị trí quốc lộ song song với đường sắt và giao cắt với đường ngang và đã thực hiện kết nối tín hiệu tại 108 điểm, chưa kết nối tín hiệu tại 566 điểm.
Đối với hệ thống biển báo trong số 72 vị trí quốc lộ giao cắt trực tiếp với đường sắt đã được báo cáo, có 64 vị trí giao cắt bố trí đầy đủ các biển báo; 8 vị trí chưa bố trí đầy đủ biển báo. Đối với hệ thống vạch sơn kẻ đường: trong số 72 vị trí quốc lộ giao cắt trực tiếp với đường sắt đã được báo cáo, có 57 vị trí giao cắt bố trí đầy đủ vạch sơn kẻ đường; 15 vị trí chưa bố trí đầy đủ vạch sơn kẻ đường...
Tháo dỡ trạm thu phí trên Quốc lộ 20
Ngày 15/9, Khu Quản lý đường bộ IV (Bộ GTVT) cho biết, đơn vị đang tiến hành các bước chuẩn bị để tháo dỡ trạm thu phí Tân Phú trên Quốc lộ 20 (đoạn qua huyện Tân Phú, Đồng Nai).
Theo đó, việc tháo dỡ và sửa chữa mặt đường dự kiến kéo dài trong 2 tháng. Sau khi tháo dỡ, đơn vị thi công sẽ sửa chữa mặt đường đoạn qua trạm thu phí nhằm đảm bảo an toàn và tăng khả năng khai thác tuyến đường.
Trạm thu phí Tân Phú đặt tại Km 74+760 thuộc dự án sửa chữa và nâng cấp mở rộng một số đoạn qua thị trấn trên Quốc lộ 20 được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Trạm dừng thu phí từ ngày 20/10/2020.
Trước đó, cử tri tỉnh Đồng Nai cho biết, trạm thu phí Tân Phú đã dừng triển khai thu phí đường bộ từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện tháo dỡ. Điều này gây cản trở việc giao thông đi lại của người dân, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông dẫn đến chết người. Cử tri kiến nghị Bộ GTVT sớm chỉ đạo tháo dỡ trạm thu phí này.
Anh Nguyễn (tổng hợp)