Những ngày qua, nhiều người hoang mang khi trên một loại xe máy đời mới vừa được tung ra thị trường không được trang bị phanh chống bó cứng ABS và cho rằng điều này sẽ không đủ an toàn khi sử dụng. Mới đây, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã lên tiếng bác bỏ hoài nghi này.
Phanh ABS là một trong những trang bị phổ biến trên các dòng xe máy đời mới những năm gần đây. |
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới (AVQ), Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, thực tế, tất cả các xe máy lắp ráp trong nước khi bán ra thị trường đều đã được thử nghiệm, cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo Thông tư 45/2012/TT-BGTVT. Có giấy chứng nhận này đồng nghĩa với việc xe đã đủ điều kiện an toàn để lưu thông.
“Hệ thống chống bó cứng phanh ABS trên xe máy hiện nay chỉ là trang bị thêm và không phải mẫu xe nào cũng bắt buộc phải có ABS. Hiện nay vẫn rất nhiều mẫu xe không có ABS nhưng thử nghiệm theo quy chuẩn vẫn đảm bảo an toàn”, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết thêm.
Và như vậy, dù có ABS hay không, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm sử dụng phương tiện là những chiếc xe máy của mình.
Hệ thống bó cứng phanh ABS trên xe 2 bánh. |
ABS là viết tắt của Anti-lock Brake System, một trong những hệ thống an toàn giúp hỗ trợ chống bó cứng phanh, hiện đang được sử dụng khá phổ biến trên cả ô tô và xe máy. Hệ thống chống bó cứng phanh ABS được phát minh từ những năm 1920 bởi Gabriel Voisin, ban đầu nó chỉ được áp dụng vào phanh của máy bay. Sau mấy thập kỷ tiếp theo mới được áp dụng cho công nghệ ô tô và gần đây nhất là xe máy.
Hệ thống ABS lần đầu được áp dụng trên những chiếc xe hai bánh chạy động cơ là năm 1988 trên chiếc mô tô BMW K100. Dù đã trải qua rất nhiều cải tiến nhưng cơ bản, ABS vẫn hoạt động trên cơ chế bám nhả liên tục, giúp xe không bị mất lực bám ngang gây hiện tượng lắc đuôi xe (trượt bánh) - là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông khi xảy ra các tình huống đột ngột, người lái không làm chủ được phương tiện.
Phương tiện được trang bị ABS sẽ giúp cho người điều khiển phương tiện hạn chế được khả năng xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc sự an toàn được phó thác cho một hệ thống phanh mà còn phụ thuộc vào kinh nghiệm, kỹ năng điều khiển phương tiện của người dùng.
Không có phanh ABS không đồng nghĩa với việc xe không đủ an toàn khi sử dụng. |
Theo Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) chia sẻ, ABS không thể thay thế tài xế mà hoàn toàn phụ thuộc vào kỹ năng của người điều khiển, còn ABS chỉ là công cụ hỗ trợ: “Trong các tình huống khẩn cấp, tài xế phải loại bỏ kiểu phanh truyền thống (nhấn rồi nhả) và thay bằng phương pháp tốt hơn (nhấn và lái), bởi ABS đã làm hộ việc chống bó cứng bánh. Nhiệm vụ lúc này của tài xế chỉ là điều khiển sao cho xe an toàn nhất”.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)