Năm 2002, cô Lydia Fairchild, một phụ nữ đến từ Mỹ đã trải qua cú sốc lớn khi kết quả xét nghiệm ADN khẳng định cô không phải là mẹ ruột của 3 đứa con. Vụ việc tưởng chừng như một vụ lừa đảo phúc lợi xã hội đã hé lộ một bí mật thú vị.
Kết quả xét nghiệm ADN kỳ lạ
Lydia Fairchild là một bà mẹ đơn thân. Vì hoàn cảnh khó khăn, năm 2002, cô đã nộp đơn xin trợ cấp chính phủ tại bang Washington. Ngỡ tưởng đây là một thủ tục đơn giản vì mình đủ điều kiện nhận trợ cấp, Lydia đã nhận được thông báo bất ngờ: cả 2 đứa con của cô không phù hợp về mặt di truyền với cô và do đó, về mặt sinh học, cô không thể là mẹ của chúng. Lúc này, cô đang mang thai con thứ 3.
Bang Washington đã cáo buộc Fairchild gian lận và đệ đơn kiện cô. Không thể tin vào kết quả này vì rõ ràng mình đã mang thai và đẻ con một cách tự nhiên, Lydia đã phải kêu oan và tự đi tìm cách chứng minh mình là mẹ của con mình.
"Tôi chắc chắn rằng tôi đã mang thai chúng, tôi đã đẻ ra chúng. Trong tâm trí tôi không hề có chút nghi ngờ nào", Lydia Fairchild nói.
Bạn trai cô được xác định đúng là cha của những đứa trẻ, theo ADN, nhưng Lydia, người mang nặng đẻ đau thì không. Kết quả xét nghiệm ADN được thực hiện nhiều lần và chắc chắn 100% là chính xác.
Trong lúc theo đuổi vụ kiện tụng, Lydia sinh con thứ 3 và kết quả cũng y hệt: đứa trẻ không phải con đẻ của cô.
Vụ việc đã khiến cả gia đình bị sốc. Khi Lydia Fairchild ra tòa, cô phải cố gắng tự bào chữa cho mình. Cô mang theo những bức ảnh chụp từ các lần mang thai và những bức ảnh chụp cô với các con khi còn nhỏ. Thế nhưng quan tòa không thể tin tưởng cô vì kết quả ADN phủ nhận Lydia là mẹ.
Người phụ nữ 26 tuổi lúc ấy không chỉ bị từ chối trợ cấp của chính phủ mà còn phải đối mặt với những rắc rối lớn. Cô bị nghi ngờ lừa đảo cơ quan chức năng để gian lận phúc lợi. Tuy nhiên, nguy cơ nghiêm trọng nhất là cô có thể bị tước quyền nuôi các con của mình.
Sự thật khó tin
Sau một thời gian dài đấu tranh, cuối cùng Lydia Fairchild cũng có một manh mối để giải thích cho sự việc kỳ lạ này. Cô phát hiện có bằng chứng từ một trường hợp “là mẹ nhưng không phải mẹ” khác được ghi nhận trên Tạp chí Y học New England ở một phụ nữ tên là Karen Keegan. Lý do là họ thuộc trường hợp rất hiếm gọi là chimera.
Chimera là hiện tượng người có nhiều hơn một kết cấu di truyền. Khi mẹ của Lydia mang thai, bà đã mang thai sinh đôi. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của thai kỳ, hai trứng đã hợp làm 1. Đứa trẻ sinh ra là Lydia có đến hai bộ mã ADN: một của chính cô, một của người chị em song sinh đã bị “hợp nhất”. Về sau, khi cô sinh con, các đứa trẻ lại thừa hưởng mã di truyền của người chị em song sinh kia.
Cuối cùng, một mẫu xét nghiệm từ cổ tử cung đã tiết lộ về dòng tế bào thứ hai khác bên trong cơ thể của Lydia Fairchild, cho thấy cô không khớp ADN di truyền với các con của mình vì cô thực sự là một chimera.
Tuy nhiên vào thời điểm đó, ngay cả khi đã đưa ra giả thiết này, cơ quan chức trách cũng không đủ bằng chứng để khẳng định Lydia là mẹ đẻ của 3 con. Chỉ đến khi cô tiếp tục mang thai và trực tiếp theo dõi quá trình cô sinh đứa con thứ 4, sau đó thực hiện xét nghiệm ADN, họ mới chính thức "chào thua". Em bé thứ 4 của cô sinh ra vẫn không phải con sinh học của Lydia. Đến tận lúc này, người phụ nữ mới được minh oan.
Trường hợp của Lydia Fairchild là một trong những trường hợp công khai đầu tiên về hiện tượng chimera và đã được sử dụng như một ví dụ trong các cuộc thảo luận sau đó về tính hợp lệ và độ tin cậy của bằng chứng ADN trong các vụ kiện tụng tại Mỹ.
Nguồn: ABC News
Thanh Huyền