Siết chặt hoạt động đăng kiểm trong cả nước
Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa có văn bản gửi các đơn vị đăng kiểm trên cả nước về việc đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông vận tải và phòng chống nhũng nhiễu, tiêu cực trong công tác kiểm định phương tiện giao thông vận tải.
Tại văn bản này, Cục Đăng kiểm Việt Nam lưu ý sẽ xử lý nghiêm hành vi làm sai lệch kết quả kiểm định phương tiện. Cụ thể, Cục Đăng kiểm nghiêm cấm các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới có các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ như làm sai lệch kết quả kiểm định; không tuân thủ đúng quy định tại các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan trong kiểm định; không công khai các thủ tục, quy trình kiểm định tại trụ sở đơn vị theo quy định; không thực hiện kiểm định phương tiện theo đúng thẩm quyền được giao; không bố trí đủ số lượng đăng kiểm viên tối thiểu trên dây chuyền kiểm định.
Đồng thời, cơ quan này cũng yêu cầu các đơn vị đăng kiểm cần tích cực trong việc hỗ trợ các cơ quan chức năng khi có yêu cầu; cử đăng kiểm viên có trình độ tham gia, phối hợp với các lực lượng tuần tra, kiểm soát tại địa phương để rà soát, kiểm tra các phương tiện tham gia giao thông nhằm phát hiện, ngăn ngừa những phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, phương tiện quá hạn đăng kiểm, hết niên hạn sử dụng vẫn tham gia giao thông.
Trước đó, ngày 14/10, việc Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm kiểm xe cơ giới 66-02D ở Đồng Tháp bị bắt vì tội nhận hối lộ đã gây rúng động cộng đồng. Trao đổi với PV Người Đưa Tin, Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đang cho xác minh và chờ kết luận từ phía cơ quan điều tra để có biện pháp xử lý kịp thời, theo quy định của pháp luật.
300 chuyến xe “bỗng dưng mất tích” tại bến xe Miền Đông
Thông tin với báo chí mới đây về tình trạng 300 chuyến xe "mất tích" mỗi ngày ở TP.HCM khi di dời Bến xe Miền Đông (BXMĐ) cũ sang BXMĐ mới, ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết nguyên nhân bao gồm việc một số chuyến xe di dời sang các bến khác như An Sương, Ngã tư Ga, Miền Tây với khoảng 160 chuyến/ngày và một số thì chuyển thành “xe dù, bến cóc” bố trí địa điểm tập kết để đón khách như gần khu vực BXMĐ cũ, một số cây xăng dọc Quốc lộ 13, gần cầu Bình Phước, cầu Sài Gòn, quận 12…
Theo ông Hưng, việc di dời các tuyến xe liên tỉnh từ Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) ra Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức) gặp một số khó khăn nhất định, dẫn đến tình trạng 300 chuyến xe không vào bến mới để hoạt động.
Đại diện Thanh tra giao thông TP.HCM cho biết, sẽ tăng cường xử phạt qua hình ảnh các xe vi phạm, đồng thời kiến nghị tăng nặng hình phạt, xử phạt hành chính đối với các xe vi phạm nhiều lần về việc đón trả khách sai quy định.
Biển quảng cáo "chèn ép" biển báo giao thông ở Hà Nội
Trước tình trạng biển báo giao thông bị tận dụng để gắn biển quảng cáo xuất hiện ở nhiều nơi trên địa bàn Tp.Hà Nội thì mới đây, Phó giám đốc sở GTVT Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, đơn vị đã chỉ đạo kiểm tra, xử lý về vấn đề này. Trả lời Tiền Phong, ông Bảo cho biết “Đối với những biển quảng cáo do người dân tự phát treo trên biển báo giao thông, Sở chỉ đạo yêu cầu đơn vị quản lý cho người dỡ ngay”.
Với các biển quảng cáo kích cỡ lớn, được gắn chắc chắn trên biển báo giao thông trên đường Nguyễn Văn Cừ, đường Tam Trinh, ông Bảo cho biết đây là các biển thực hiện theo dự án ký kết với một doanh nghiệp Hàn Quốc. Sở sẽ kiểm tra pháp lý của hợp đồng ký kết ở UBND thành phố mới có cơ sở để đưa ra biện pháp xử lý.
Theo thông tin được công bố từ năm 2008, một doanh nghiệp Hàn Quốc được cho phép triển khai lắp đặt biển chỉ dẫn giao thông đường bộ kèm quảng cáo tại 37 tuyến đường Hà Nội, với gần 564 biển với tổng kinh phí 4,3 triệu USD trong giai đoạn 2008 - 2010.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)