Theo HindustanTimes, một ứng dụng AI có tên gọi, Death Clock, đã trở nên phổ biến gần đây vì khả năng dự đoán tuổi thọ của người dùng dựa trên thói quen lối sống của họ.
Brett Franson, nhà phát triển ứng dụng Death Clock, cho biết sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được đào tạo dựa trên hơn 1.200 nghiên cứu về tuổi thọ con người. Từ đó, giúp ứng dụng có độ chính xác cao hơn hẳn so với các bảng tuổi thọ tiêu chuẩn từng được sử dụng trước đây.
TechCrunch cho biết điểm vượt trội của Death Clock nằm ở khả năng phân tích dữ liệu và đưa ra những lời khuyên mang tính cá nhân hóa dựa trên lối sống và sức khỏe của từng người dùng.
Để sử dụng Death Clock, người dùng phải hoàn thành một bảng câu hỏi chi tiết, bao gồm các thông tin cơ bản như: tuổi tác, giới tính và quốc gia, cũng như các yếu tố phức tạp hơn như tiền sử bệnh trong gia đình, sức khỏe tâm thần và bệnh mãn tính.
Sau khi dữ liệu được nạp vào, ứng dụng sẽ đưa ra dự đoán về ngày qua đời cùng các khuyến nghị để người dùng cải thiện lối sống tốt hơn.
Chẳng hạn, Anthony Ha, cây viết của TechCrunch sau khi thử nghiệm Death Clock đã được dự đoán rằng anh sẽ qua đời vào ngày 28 tháng 2 năm 2074 ở độ tuổi 90. Tuy nhiên, ứng dụng cũng chỉ ra rằng, nếu áp dụng các thói quen lành mạnh hơn, anh có thể sống đến 103 tuổi.
Không dừng lại ở đó, ứng dụng này còn có ý nghĩa thực tiễn đối với những người lớn tuổi hoặc đã nghỉ hưu.
Theo chuyên gia lập kế hoạch tài chính Ryan Zabrowski, một trong những mối quan tâm lớn nhất của người cao tuổi là khả năng sống lâu hơn số tiền tiết kiệm của mình. Vì vậy, việc có một ước tính chính xác về tuổi thọ có thể giúp họ lập kế hoạch tài chính hợp lý hơn.
Nhìn chung, ngoài cái tên nghe có vẻ tiêu cực, ứng dụng này lại mang đến cho người dùng những thông tin tích cực về việc nhận thức rõ hơn về sức khỏe và lối sống, đồng thời khuyến khích họ hành động tích cực để kéo dài tuổi thọ, xây dựng kế hoạch tài chính hợp lý hơn.
Tham khảo TechCrunch, HindustanTimes
Huỳnh Duy