Đứng đầu danh sách nộp thuế lớn cho tỉnh Quảng Bình là Công ty cổ phần nhiên liệu Phúc Lâm- Chi nhánh Quảng Bình với số tiền là hơn 208 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là ông Trần Hồng Thắng với ngành nghề đăng ký chủ yếu là bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan.
Đứng thứ 2 là Công ty xăng dầu Quảng Bình nộp thuế ngân sách Nhà nước là hơn 167 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là ông Lê Anh Hùng. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5,8 tỷ đồng tăng 35% so với năm 2022; nộp ngân sách đạt 180 tỷ đồng; tiền lương bình quân người lao động đạt hơn 12,7 triệu đồng/người/tháng, tăng 11,7% so với năm 2022, với 56 cửa hàng, chiếm 48,3% thị phần xăng dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Thứ 3 thuộc về Trung tâm Quản lý hạ tầng khu công nghiệp, Khu Kinh tế Quảng Bình với số tiền nộp thuế cho ngân sách nhà nước hơn 80 tỷ đồng. Đây là đơn vị sự nghiệp chủ yếu nộp phí hạ tầng cửa khẩu Chalo.
Đứng thứ 4 nộp ngân sách lớn là Công ty TNHH Một thành viên xổ số kiến thiết Quảng Bình với số tiền hơn 77 tỷ đồng. Doanh thu của Công ty đạt 320 tỷ đồng, bằng 113,9% so với năm 2022. Thu nhập bình quân của người lao động bình quân đạt 9,2 triệu đồng/người/tháng.
Kế đến là Tập đoàn Vingroup – Công ty CP đóng tại Quảng Bình nộp thuế với số tiền hơn 50 tỉ đồng.Tiền thân của Vingroup là Tập đoàn Technocom, thành lập năm 1993 tại Ucraina. Đầu những năm 2000, Technocom trở về Việt Nam, tập trung đầu tư vào lĩnh vực du lịch và bất động sản với hai thương hiệu chiến lược ban đầu là Vinpearl và Vincom. Đến tháng 1/2012, công ty CP Vincom và Công ty CP Vinpearl sáp nhập, chính thức hoạt động dưới mô hình Tập đoàn với tên gọi Tập đoàn Vingroup – Công ty CP.
Đứng thứ 6 là Công ty cổ phần điện gió BT1 với số tiền hơn 43 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Nam Thắng. Với ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất điện bằng năng lượng gió và Truyền tải và phân phối điện.
Thứ 7 trong danh sách 10 đơn vị nộp thuế lớn cho tỉnh Quảng Bình là Công ty TNHH vật liệu xây dựng xi măng SCG Việt Nam với số tiền là hơn 43 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là ông Anakorn Theeramankong (quốc tịch Thái Lan)
Đứng thứ 8 là Công ty cổ phần Bia Hà Nội - Quảng Bình với số tiền nộp thuế ngân sách nhà nước là hơn 38 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Nam Hương.
Thứ 9 là Chi nhánh Công ty cổ phần xăng dầu dầu khí Vũng Áng tại Quảng Bình với số tiền là hơn 37 tỷ đồng. Đại diện pháp luật là ông Hoàng Văn Thanh. Lĩnh vực chính là bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan kinh doanh xăng dầu.
Thứ 10 trong danh sách là Công ty điện lực Quảng Bình với số tiền nộp thuế ngân sách nhà nước là hơn 34 tỷ đồng.
Ngoài 10 đơn vị dẫn đầu nộp thuế nhiều cho tỉnh Quảng Bình thì kế đến còn các đơn vị nộp thuế lớn khác, lần lượt có thể kể đến là Công ty cổ phần điện gió BT2 (hơn 28 tỷ đồng), Công ty cổ phần cấp nước Quảng Bình (hơn 27 tỷ đồng), Công ty TNHH Một thành viên Tasco Quảng Bình ( hơn 25 tỷ đồng), Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải ( hơn 21 tỷ đồng), Công ty cổ phần xi măng Sông Gianh (hơn 20 tỷ đồng), Công ty cổ phần Tập đoàn FLC(hơn 20 tỷ đồng), Viễn thông Quảng Bình (hơn 19 tỷ đồng), Công ty vật liệu xây dựng Việt Nam (hơn 16 tỷ đồng), Công ty cổ phần khoáng sản Hoàng Long ( hơn 16 tỷ đồng), Công ty cổ phần Regal Group (hơn 15 tỷ đồng).
Xuân Hương