Quân đội Hàn Quốc hỗn loạn khi thiết quân luật được ban bố
Chương trình "Kim Jong-bae's Focus" của đài MBC (Hàn Quốc) ngày 4/12 dẫn lời nghị sĩ Đảng Dân chủ Hàn Quốc, cựu tướng 4 sao Kim Byung-joo tiết lộ, quân đội Hàn Quốc đã ở trong tình trạng hỗn loạn sau khi Tổng thống Yoon Suk-yeol tuyên bố thiết quân luật vào tối ngày 3/12.
Ông Kim cho biết, sau khi thiết quân luật được ban bố, các đơn vị đặc nhiệm của Bộ Tư lệnh phòng vệ thủ đô (SBD), cùng các đơn vị lính dù và đơn vị đặc nhiệm 707 (lực lượng phản ứng nhanh thuộc Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt chuyên chống khủng bố, bảo vệ quan chức cấp cao) đã được huy động, nhưng các đơn vị tiền phương không có dấu hiệu di chuyển.
Đáng lưu ý, theo ông Kim, SBD đã rơi vào tình trạng khẩn cấp sau khi Tổng thống Yoon tuyên bố thiết quân luật, dẫn đến tình trạng lộn xộn trong việc triển khai binh sĩ.
"Thực tế là SBD đã 'tan ca' và đang thực hiện các công việc thường nhật vào buổi tối khi Tổng thống Yoon tuyên bố thiết quân luật. Vì vậy, lực lượng SBD rơi vào tình trạng lộn xộn" – Ông Kim nói.
Các chỉ huy quân đoàn tuyến đầu đều được đặt trong trạng thái chờ đợi sau khi thiết quân luật được ban bố, nhưng không có cuộc họp trực tuyến nào diễn ra.
Các chỉ huy quân đoàn đã phải theo dõi tình hình qua ti vi để hiểu xem tại sao chuyện này lại xảy ra. Một số chỉ huy 3 sao và 4 sao ở tiền tuyến đã xác nhận với ông Kim Byung-joo rằng họ không nắm được gì về tình hình.
Quân đội thiết quân luật… đến chậm hơn cả nghị sĩ Quốc hội
Theo nhật báo Maekyung (Hàn Quốc) ngày 4/12, khi thiết quân luật được dỡ bỏ sau cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Hàn Quốc vào 1h sáng cùng ngày, các cựu tướng lĩnh quân đội và cả những người đã chỉ huy các đơn vị liên quan đến thiết quân luật đồng loạt chỉ trích Tổng thống Yoon và các lãnh đạo quân sự cấp cao Hàn Quốc đã huy động quân đội một cách lạc hậu, thiếu sự chuẩn bị.
Cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Phòng vệ Thủ đô Kim Do-kyun cho biết, các binh sĩ được triển khai vào lực lượng thiết quân luật "chỉ biết về nhiệm vụ của mình sau khi thiết quân luật được ban bố. Họ hoàn toàn không ở trong trạng thái được chuẩn bị đầy đủ".
Trong các trường hợp ban bố thiết quân luật trước đây, lực lượng quân đội thiết quân luật được đặt trong tình trạng khẩn cấp. Họ được giao nhiệm vụ nhanh chóng chiếm giữ, kiểm soát tòa nhà Quốc hội, các tòa nhà hành chính quốc gia và cơ sở quân sự quan trọng.
Đáng lưu ý, ngay trước ngày thiết quân luật được ban bố, các binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm của Bộ Tư lệnh Tác chiến Đặc biệt và Bộ Tư lệnh Phòng vệ Thủ đô đã phải nhận được lệnh ngăn chặn việc tổ chức phiên họp toàn thể Quốc hội theo lệnh của Tư lệnh thiết quân luật.
Tuy nhiên, vào đêm 3/12, lực lượng thiết quân luật Hàn Quốc – trang bị súng trường tấn công và kính nhìn đêm – thậm chí còn đến tòa nhà Quốc hội muộn hơn cả các nghị sĩ của hai đảng. Và mặc dù đã có một số xung đột xảy ra trong quá trình đột kích Quốc hội (như phá cửa sổ) nhưng lực lượng thiết quân luật đã không tích cực ngăn chặn các hoạt động ra quyết định của Quốc hội.
Theo tờ Munhwa (Hàn Quốc), 23 giờ 40 phút đêm 3/12, 3 chiếc trực thăng quân sự Hàn Quốc đã bay vào không phận tòa nhà Quốc hội Hàn Quốc. Tiếp sau đó, 280 lính đặc nhiệm mang theo súng trường tấn công đã xộc vào tòa nhà.
Họ được giao nhiệm vụ tìm cách bắt giữ Chủ tịch đảng Dân chủ Lee Jae-myung, lãnh đạo đảng Sức mạnh nhân dân (PPP) cầm quyền Han Dong-hoon, Chủ tịch Quốc hội Woo Won-sik, nhưng không thành công. Phiên họp toàn thể nhằm bỏ phiếu dỡ bỏ thiết quân luật đã diễn ra.
Theo tờ Maekyung, một số ý kiến cho rằng sự thiếu tín nhiệm trong nội bộ quân đội Hàn Quốc với Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun, người đã đề xuất Tổng thống Yoon ban bố thiết quân luật, có thể là nguyên nhân dẫn tới kết quả này.
Trước đó, ông Kim đã kiên quyết bác bỏ cáo buộc về "kế hoạch chuẩn bị thiết quân luật" do đảng đối lập nêu ra trong phiên điều trần Bộ trưởng Quốc phòng vào tháng 9 năm nay.
"Với tình hình hiện nay của Hàn Quốc, liệu có người dân nào chấp nhận thiết quân luật không? Thành thật mà nói, tôi nghĩ quân đội của chúng ta sẽ không tuân theo" – Ông Kim nói. Song chỉ 3 tháng sau, ông Kim Yong-hyun đã đề xuất Tổng thống Yoon Suk-yeol ban bố thiết quân luật, đặt mình vào trung tâm của "một cơn bão chính trị lớn".
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Kim Myung-soo đã phải tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với các chỉ huy tác chiến qua video trong ngày 4/12 để giải quyết hậu quả của việc ban bố và dỡ bỏ thiết quân luật.
(Cận cảnh đặc nhiệm Hàn Quốc đập vỡ kính, xộc vào tòa nhà Quốc hội đêm 3/12. Nguồn: Guardian)
3 vạn quân Mỹ áp chế Triều Tiên báo động
Theo hãng tin CNN (Mỹ), diễn biến đáng kinh ngạc tại Hàn Quốc đã khiến Washington phải bất ngờ, tạo ra tình trạng báo động đối với gần 30.000 quân Mỹ đang đóng vai trò là lực lượng "áp chế Triều Tiên" và đối trọng với Trung Quốc.
Tình hình hỗn loạn có khả năng gây ra những hậu quả đáng kể tại thời điểm cả Trung Quốc và Triều Tiên đều đang tìm cách củng cố mối quan hệ với Nga. Mọi sự chú ý lúc này đang đổ dồn về Triều Tiên – phía có thể muốn tận dụng tình hình để giành lợi thế.
Theo CNN, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un được biết đến là người biết chọn những thời điểm chính trị thuận lợi để tiến hành các cuộc thử nghiệm vũ khí lớn. Đơn cử như, vài ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11, Triều Tiên đã bắn thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới.
Phát biểu tại cuộc mít tinh "Kêu gọi Tổng thống Yoon Suk-yeol từ chức và xúc tiến luận tội" do đảng Dân chủ và các đảng đối lập khác tổ chức, lãnh đạo phe đối lập Hàn Quốc Lee Jae-myung cho rằng, Tổng thống sau khi thất bại trong việc áp đặt thiết quân luật có thể sẽ cố gắng thực hiện lại hoặc thậm chí khiêu khích Triều Tiên để đưa tình hình biên giới đến chỗ đụng độ quân sự.
"Tổng thống Yoon Suk-yeol đã cố gắng áp đặt chế độ thiết quân luật không thành công và sẽ thử làm việc đó lần nữa, nhưng có một mối nguy hiểm thậm chí còn lớn hơn," ông Lee nói.
"Có nguy cơ nghiêm trọng rằng ông Yoon có thể khiêu khích Triều Tiên bằng cách làm xáo trộn sự ổn định của khu ranh giới đình chiến và dẫn đến xung đột vũ trang... Nếu lệnh thiết quân luật để duy trì quyền lực là không đủ thì họ sẽ sẵn sàng đặt mạng sống của người dân vào tình thế nguy hiểm."
Minh Minh