Indonesia nói Apple đầu tư không công bằng
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) hôm 26/11 đưa tin, Indonesia đã từ chối lời đề nghị đầu tư 100 triệu USD từ Apple vì cho rằng khoản đầu tư này là không đủ để dỡ bỏ lệnh cấm bán iPhone mới nhất tại thị trường đông dân nhất Đông Nam Á này.
Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita ngày 25/11 tuyên bố đề xuất của Apple không đáp ứng được "các nguyên tắc công bằng", dẫn chứng bằng những khoản đầu tư lớn gấp nhiều lần mà Apple thực hiện ở các nước láng giềng.
Ông Agus nói Apple đã đầu tư khoảng 244 nghìn tỷ rupiah (khoảng 15 tỷ USD) vào các cơ sở sản xuất ở Việt Nam, nơi doanh số bán ra trên thị trường đạt khoảng 1,5 triệu đơn vị hàng hóa. Trong khi đó, ông nhấn mạnh Apple chỉ đầu tư 1,5 nghìn tỷ rupiah vào Indonesia dù đã bán được tới 2,5 triệu mặt hàng tại đây.
"Căn cứ vào những đánh giá kỹ thuật thì số tiền đầu tư [mà Apple đề xuất] chưa đạt tới con số mà chúng tôi cho là công bằng," Bộ trưởng Indonesia nói. "Chúng tôi muốn Apple trở lại kinh doanh [tại Indonesia], nhưng chúng tôi cần một giải pháp công bằng."
Đề nghị đầu tư 100 triệu USD được Apple đưa ra sau khi Indonesia vào tháng trước ban hành lệnh cấm bán sản phẩm iPhone 16 mới nhất, với lý do hãng công nghệ khổng lồ Mỹ không đáp ứng được yêu cầu điện thoại di động và máy tính bảng bán ở thị trường Indonesia phải bao gồm ít nhất 40% linh kiện sản xuất nội địa.
Apple hiện không có cơ sở sản xuất nào tại Indonesia, nhưng kể từ năm 2018 đã thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển nhằm đáp ứng các yêu cầu của sở tại.
Nhưng theo Bộ trưởng Công nghiệp Agus, Apple đã không đạt được mục tiêu đã đưa ra. Ông cho biết hồi tháng 10 rằng hãng chỉ đầu tư 1,48 nghìn tỷ rupiah (hơn 93 triệu USD) vào Indonesia, "thiếu hụt so với con số cam kết" được đưa ra vào năm ngoái là 1,71 nghìn tỷ rupiah.
Indonesia muốn Apple đặt cơ sở sản xuất
Nhà nghiên cứu kinh tế Dandy Rafitrandi tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Jakarta nói chính phủ Indonesia có thể sẽ tuân thủ các quy định vì họ cũng đã áp dụng với các nhà sản xuất khác.
Ví dụ, Indonesia này đã cấm bán điện thoại Google Pixel của Alphabet vì lý do tương tự là không sử dụng linh kiện nội địa.
Trong khi đó, các công ty công nghệ đối thủ như Samsung của Hàn Quốc hay Xiaomi của Trung Quốc đã đầu tư lớn vào cơ sở sản xuất tại Indonesia - Bộ trưởng Agus nhấn mạnh. Các mức đầu tư này lần lượt là 8 nghìn tỷ rupiah và 5,5 nghìn tỷ rupiah.
Bộ trưởng cho biết ông hy vọng Apple sẽ cử các nhóm đàm phán đến gặp các quan chức ở Indonesia, nói thêm rằng ưu tiên hàng đầu của Jakarta là công ty sẽ mở một nhà máy sản xuất tại quốc gia ASEAN này.
CEO Apple Tim Cook nêu trong chuyến thăm Jakarta vào tháng 4/2024 rằng công ty sẽ cân nhắc xây dựng một cơ sở sản xuất tại Indonesia, sau cuộc gặp với tổng thống khi đó là ông Joko Widodo. Ông cũng lưu ý vào tháng 5 rằng Apple đã "đạt được doanh số kỷ lục mọi thời đại tại Indonesia".
Tuy nhiên, hãng vẫn chưa công bố bất kỳ kế hoạch nào về việc thành lập cơ sở sản xuất tại Indonesia.
Josua Pardede, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Permata ở Indonesia, đánh giá việc chính phủ Indonesia chấp nhận số tiền đầu tư thấp hơn từ Apple có thể tạo ra tiền lệ "làm suy yếu vị thế mặc cả của Indonesia với các tập đoàn đa quốc gia khác".
"Tuy nhiên, các yêu cầu quá khắt khe có thể ngăn cản đầu tư trực tiếp nước ngoài," ông lưu ý.
Trong khi Indonesia tập trung thúc đẩy sản xuất trong nước để củng cố các ngành công nghiệp nội địa, nhà nghiên cứu kinh tế Dandy cảnh báo rằng các học viện phát triển của Apple là không đủ, lưu ý rằng chúng chỉ được coi là có "tác động nhỏ hơn đến đầu tư và tạo việc làm".
Dân số đông đảo và am hiểu công nghệ của Indonesia đã biến nơi này thành thị trường mục tiêu hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư công nghệ. Sau chuyến thăm của ông Tim Cook, CEO của Microsoft Satya Nadella đã công bố khoản đầu tư 1,7 tỷ USD để tăng cường cơ sở hạ tầng đám mây và AI tại quốc gia này.
"Chúng tôi hy vọng vấn đề của Apple có thể sớm được giải quyết vì họ cũng rất quan tâm đến việc kinh doanh tại đây", Bộ trưởng Công nghiệp Agus nêu.
HV