GS.TS.BS Trần Trung Dũng - Giám đốc chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình & Cơ xương khớp, Hệ thống Y tế Vinmec cho hay, điều ấn tượng với ông nhất khi tham gia ca mổ cho Xuân Son đó là niềm tin của Son, lãnh đạo câu lạc bộ chủ quản và sự quan tâm của người hâm mộ. Đây không chỉ là câu chuyên quan tâm đơn thuần về mặt chuyên môn, về kết quả điều trị, mà còn là sự động viên, quan tâm thực sự về sức khỏe của Son.
“Có nhiều bệnh nhân của tôi còn thể hiện mong muốn có thể đóng góp một phần tài chính để Son được hưởng những điều kiện y tế tốt nhất”, giáo sư Dũng nói.
Theo đánh giá của vị giáo sư, ca phẫu thuật của Xuân Son không quá khó về mặt kỹ thuật. Ông tin rằng nếu là một người bệnh bình thường thì ngay cả các bác sĩ trẻ có trình độ về chấn thương chỉnh hình trên các bệnh viện khắp cả nước cũng có thể thực hiện tốt ca phẫu thuật.
“Tuy nhiên, đối với trường hợp của Son, trong bối cảnh Son đã có những đóng góp cho thành tích của đội tuyển quốc gia, khơi dậy tinh thần dân tộc, niềm tự hào cho Việt Nam, ca mổ chịu rất nhiều áp lực. Áp lực này có thể đến từ phía vận động viên, người hâm mộ về mong muốn Xuân Son sớm trở lại thi đấu đỉnh cao. Tôi nghĩ những kỳ vọng đó là chính đáng.
Thế nhưng, đối với ekip phẫu thuật, kỳ vọng đó không chỉ phụ thuộc vào kết quả cuộc phẫu thuật, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào hành trình phục hồi sắp tới của vận động viên để có thể quay lại thời kỳ đỉnh cao”, giáo sư Dũng nói.
Phẫu thuật chỉ chiếm 10%, để vận động viên có thể quay trở lại thi đấu thì các công tác hậu phẫu phía sau cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Khó khăn khi thực hiện ca mổ cho Xuân Son
BSCKII Vũ Tú Nam - Trưởng khoa Phẫu thuật Nội soi khớp & Y học thể thao, Vinmec Times City cho hay, điều khó nhất trong ca phẫu thuật của Xuân Son là đòi hỏi về sự hoàn thiện và tính cá thể hóa của quá trình điều trị.
Cụ thể, các bác sĩ phải đánh giá đầy đủ các thương tổn, sau đó tiến hành kết hợp xương đủ vững chắc, không làm nặng thêm tổn thương xương cũng như ảnh hưởng các cấu trúc lành để đảm bảo quá trình phục hồi nhanh nhất cho vận động viên.
Với trường hợp của Xuân Son, đây là một ổ gãy thân xương phức tạp thay vì ghi nhận ban đầu là một ổ gãy đơn giản: một mảnh rời to hình chêm (tam giác) kích thước chiều dài lên đến 7cm nằm ở thành sau của xương chày; Vết nứt xuống dưới có nguy cơ tách ra thành một mảnh rời nữa.
Để đảm bảo tính kịp thời và kết hợp xương vững chắc, một số phẫu thuật viên có thể sẽ tiến hành mở ổ gãy để nắn chỉnh và cố định các mảnh rời. Tuy nhiên, điều này sẽ làm chậm quá trình liền sinh lý của ổ gãy.
Ngoài ra, kích thước ổng tủy cũng khá lớn, xương chày lại dài nên cần tính toán kỹ càng để lựa chọn kích cỡ đinh và vít phù hợp nhất, giúp đảm bảo kết hợp xương đủ chắc chắn mà không làm tổn thương thêm các cấu trúc lành.
Theo bác sĩ Tú Nam, một điểm khó khăn nữa trong ca mổ của Son đó là kích thước và trọng lượng cơ thể lớn nên cũng gây ra không ít trở ngại cho cả ekip khi thao tác kỹ thuật.
Cuối cùng, các bác sĩ Trung tâm Chấn Thương Chỉnh hình và Y học Thể thao Vinmec quyết định phẫu thuật kết hợp xương kín bằng đinh nội tủy có chốt dưới màn hình tăng sáng. Đây là giải pháp phẫu thuật ít xâm lấn, giúp giảm thiểu tổn thương mô mềm và đảm bảo phục hồi nhanh chóng.
Gãy thân xương cẳng chân là một tổn thương khá thường gặp, phẫu thuật kết hợp xương đinh nội tủy xương chày là một phẫu thuật thường quy. Tuy nhiên, việc hoàn thiện ca mổ, kết hợp xương đinh nội tủy có chốt mà không mở ổ gãy như trường hợp của Xuân Son đòi hỏi ekip phẫu thuật viên phải tính toán chi tiết các phương án phẫu thuật, đo đạc và lựa chọn chính xác chủng loại, kích cỡ đinh, vít bằng phần mềm mô phỏng trước phẫu thuật và sự phối hợp nhịp nhàng của các thành viên trong ekip.
“Việc đóng đinh nội tủy kín - tức nắn chỉnh qua da mà không mở ổ gãy - sẽ khó kiểm soát các mảnh rời và đường nứt này. Nếu thực hiện không khéo léo, các mảnh rời có thể gãy vụn và đi lệch hoặc bong rời, từ đó gây ảnh hưởng đến quá trình liền xương và làm chậm quá trình phục hồi”, bác sĩ Tú Nam nói.
Ngọc Minh