Với mục tiêu cho con thi vào trường chất lượng cao (CLC), từ năm lớp 4, chị N. Minh (tên nhân vật đã thay đổi) cho con đi học thêm từ ở một trung tâm uy tín. Để tập trung vào việc ôn thi, chị đã cắt hết các cuộc thi không phục vụ cho mục đích chuyển cấp của con. Không một giải phụ nào được chuẩn bị. Con chỉ học 1 môn nghệ thuật duy nhất là đàn. Chấm hết.
Cả nhà rất kỳ vọng vào đợt thi chuyển cấp sắp tới của con.
Thế rồi, "đùng một cái", quy định chỉ xét tuyển vào lớp 6 khiến chị Minh đứng hình. Chị Minh cho rằng, rất khó có cơ hội cho con khi chỉ có duy nhất một điều kiện học bạ mà không có các giải thưởng về văn hóa, văn nghệ, thể thao, ngoại ngữ…
"Năm ngoái, mình đọc được bài viết của một bà mẹ nào đó, bật khóc khi THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ams) không cho tuyển sinh, mình đã trộm nghĩ: Ồ, làm gì đến mức ấy. Mình không ngờ rằng năm nay, chính mình lại đang ở trong cảm giác ấy. Cũng bật khóc và xót con, tiếc công sức chuẩn bị và nỗ lực vun trồng sắp đến ngày hái quả. Mình chỉ khác bà mẹ năm ngoái ở số % cơ hội. Con chị ấy không có Ams thì có Trường THCS Ngoại ngữ (UMS), Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, Trường THCS Cầu Giấy... Con mình có 0%", bà mẹ chia sẻ.
Theo chị, con mình, từ lớp 1 đến lớp 3, chưa từng vác cặp đi học thêm bất cứ nơi đâu, điểm học bạ full 10, luôn được coi là học sinh gương mẫu ở lớp, ở trường. Lên lớp 4, khi định hướng cho con thi CLC, chị có đưa con đến kiểm tra ở một trung tâm Toán. Con được 4/15. Chị ngã ngửa.
"Mình hiểu rằng thành tích trên lớp không liên quan đến khả năng thì chuyển cấp và nếu con muốn thành công, con cần học theo định hướng khác. Mình đã bắt đầu cho con đi học thêm lần đầu tiên từ sau bài kiểm tra đó. Con bắt đầu với lớp trên cơ bản 1 chút. Hết 1 kì, con được chuyển lớp cao hơn. Hết 1 kì nữa, con được chuyển lớp nâng cao.
Sang lớp 5, con học ổn định hơn, làm bài chắc chắn hơn và mình hoàn toàn tinh vào khả năng làm bài của con khi tới kì thi. Nói thì có vẻ nhanh, nhưng nỗ lực lại là cả quá trình, dài thật dài. Áp lực khi kiểm tra hết chuyên đề, áp lực khi thì hết quý, áp lực khi thi hết kì, áp lực trụ lại lớp, nó khiến mình đôi khi sợ. Nhưng con mình thì không. Cháu vẫn đều đặn, bền bỉ. Chỗ nào không hiểu thì hỏi mẹ. Có hôm cháu sốt nhưng nhất định đến lớp vì có bài kiểm tra. Tất nhiên kết quả hôm đó không tốt, nhưng thái độ của con, mình rõ ràng phải ghi nhận.
Lớp 5, con ngoài học Toán còn học thêm tiếng Anh và Văn. Những lớp học phù hợp với con đều xa nhà. Hai bố con có những bữa cơm ăn cứ vội vã rồi lại băng băng đèo nhau 9, 10 cây số đi học. Trời trở lạnh, mình khi nằm nhà nghĩ thương bố con đi đường rét mướt. Sau giờ học thêm, con lại phải giải quyết bài tập trên lớp.
Có những bữa, mình cho bạn em ngủ 1 giấc, mình thiếp theo con, tỉnh dậy 11h kém vẫn thấy con miệt mài ngồi học. Chảy nước mắt vì thương con, bố mẹ ạ. Mình lúc ấy chỉ biết động viên con: Mình đang ở cuộc chiến 10 năm trước để chuẩn bị cho cuộc đời 10 năm sau con ạ", chị tâm sự.
Đối với chị, việc thay đổi với tâm ý giảm bớt gánh nặng thi cử cho các con, chị đồng ý. Nhưng mọi thứ nên có lộ trình. Không ai chuẩn bị cho một việc quan trọng như thi chuyển cấp trước 2 tháng cả, nó được tính bằng năm, hoặc nhiều năm…
"Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng. Thôi thì, sóng gió thì sóng gió chung, vẫn phải vươn lên, các bố mẹ nhỉ?", chị nói.
"Đừng tiếc công cầm vàng vì vàng vẫn trong tay"
Nhiều người cũng nhận định, việc quy định bỏ xét tuyển có mặt tích cực. Tuy nhiên, nói giảm áp lực cho học sinh thì không hoàn toàn đúng. Việc thi tuyển hay xét tuyển đều áp lực như nhau. Áp lực sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh chứ không hẳn là nằm ở phương thức tuyển sinh.
Hơn nữa, việc có thi tuyển chính là sàng lọc những bạn có kiến thức, có năng lực, có quyết tâm, cùng chí hướng. Còn nếu không muốn áp lực thì các em khác vẫn có thể chọn con đường khác.
- Đồng cảm với mẹ, vì những ai trải qua rồi mới hiểu cảm giác hụt hẫng. Được học trong môi trường thầy cô tốt, các bạn bè đều khá giỏi, có ý thức học tập, bố mẹ quan tâm thì gia đình và con cũng đã phải cố gắng rất nhiều. Mình vẫn nghĩ áp lực tạo nên kim cương (tất nhiên là vừa phải và phù hợp với từng con).
- Nhà mình cũng từ lớp 4 cắt hết các kì thi để con tập trung ôn thi, đi học từ Hà Đông lên Láng Hạ, sang Kim Giang học Toán, Văn. Mục tiêu ôn thi để đỗ CLC giờ đùng 1 phát không thi nữa. Các giải thì không có, khóc dòng sông ạ.
Dù vậy cũng nhiều ý kiến chỉ trích bà mẹ này, cho rằng, vì các cuộc chạy đua bố mẹ đưa con đi học thêm, tối về lại phải cày bài trên lớp như vậy nên họ thấy quyết định bỏ thi là chính xác, giảm tải áp lực cho các con.
"Mình biết bạn kì vọng vào kì thi! Nhưng Con bạn thích học, học giỏi rất tốt nhưng nó có phải là đích cuối đâu, con cứ ham học, cứ như thế lên cấp 2 rồi cấp 3. Bạn tạo áp lực cho bạn rồi tạo cho con. Mình nghĩ với con bạn như thế thì môi trường nào cũng phù hợp mà!", một người nêu ý kiến.
Cũng có người khuyên bà mẹ nên lạc quan, bởi chưa có thông tin rõ ràng từ các trường: "Mình nghĩ các mẹ không cần lo lắng quá, xét làm sao hết được học sinh. Giải ở các cuộc thi thu tiền kia cũng không đánh giá được gì. Khi trường chưa có thông báo chính thức thì làm được gì con cứ tiếp tục làm.
Nếu trường CLC mà không tuyển được học sinh giỏi thực sự thì các em sẽ tràn về các trường công. Mà giáo viên các trường công cũng giỏi mà, mình nghĩ giáo viên chất lượng cao về trình độ cũng không cao siêu hơn, chẳng qua là học sinh thông minh và chăm chỉ hơn nên kết quả đầu ra của các con tốt hơn".
Theo luồng ý kiến này, quan trọng giờ các trường sẽ căn cứ vào đâu để tuyển được học sinh chất lượng, đãi cát tìm vàng, tìm ngọc sáng. Còn phụ huynh chẳng có gì tiếc công cầm vàng vì vàng vẫn trong tay, làm sao cho nó tăng sinh càng lớn mạnh. Kiến thức và chặng đường phải qua còn dài lắm, có gì phải tiếc công dãi nắng dầm mưa, vì con cứ tốt hơn ngày hơn qua đã là thành công của bố mẹ. Trường chuyên, lớp chọn đâu phải là cái đích cuối cùng của sự nghiệp học hành.
"Everything happens for a reason (Mọi sự xảy ra có lý do của nó): Hãy tin vào điều này và vui vẻ nhé!", một người nhắn nhủ.
Hiểu Đan