Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, tâm sự của một cặp vợ chồng trẻ, có 1 con nhỏ 18 tháng tuổi, khiến nhiều người phải khen. Với mức thu nhập 35 triệu đồng, mỗi tháng, gia đình này đều tiết kiệm được 15 triệu. Với cách chi tiêu như hiện tại, mọi người thậm chí còn khuyên cô không nên cố gắng cắt giảm thêm khoản nào nữa, vì tất cả đều khá hợp lý rồi.
“Nhà em có 2 vợ chồng và 1 bạn nhỏ 18 tháng, ở Hà Nội, chi tiêu như thế này liệu còn vén thêm được khoản nào không ạ? Sắp tới bạn nhỏ nhà em đi lớp nữa, em muốn tiết kiệm thêm 1 chút để bù vào tiền học hàng tháng” - Cô vợ chia sẻ.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người khuyên cô nên cố gắng tăng thu nhập thay vì cắt giảm chi tiêu, đồng thời khuyên cô 1 điều rằng với tình hình tài chính như hiện tại, nếu muốn duy trì được tỷ lệ tiết kiệm, vợ chồng khoan hãy tính đến việc có thêm bé thứ 2. Vậy là ổn và thoải mái!
Cách tăng thu nhập, tiết kiệm khi sống ở thành phố lớn
Muốn tăng tỷ lệ tiết kiệm, có lẽ, chỉ có 3 cách: Giảm chi, tăng thu nhập và không tăng mức chi tiêu, hoặc vừa giảm chi vừa tăng thu nhập. Nhưng thời buổi vật giá leo thang, sống ở thành phố, cái gì cũng đắt đỏ, vậy phải làm sao để giảm chi tiêu và tăng thu nhập?
1 - Nhận thêm các công việc ngoài giờ đúng chuyên môn, kỹ năng
Đương nhiên, đây vẫn là phương án lý tưởng nhất mà không ít người vẫn đang áp dụng để da dạng hóa nguồn thu, tăng thu nhập. Vì thứ nhất, không cần vốn lớn. Vốn liếng ở đây chính là kinh nghiệm, kiến thức làm việc sẵn có vì "việc phụ" cũng cùng ngành với "việc chính".
Tuy nhiên, muốn tìm được công việc ngoài giờ lâu dài, với mức lương ổn định, đôi khi, bạn cần phải trau dồi cả những kỹ năng tưởng chừng không mấy liên quan, ví dụ như ngoại ngữ, khả năng giao tiếp "từ xa", mở rộng các mối quan hệ hiện có,... Vì đồng nghiệp, bạn bè mới chính là những "nguồn tìm việc" đáng tin cậy nhất, tránh trường hợp cày cuốc bán sức cả tháng trời, mà đến ngày nhận lương tự nhiên lại thấy tất cả "mất hút".
Việc đó, chắc chắn chẳng ai muốn, và cũng là nỗi sợ, nỗi ám ảnh nhất với những người làm nhiều công việc một lúc.
2 - Chạy xe ôm công nghệ sau giờ làm
So với việc nhận thêm các công việc ngoài giờ hành chính, đúng kỹ năng, đúng chuyên môn, thì việc chạy xe ôm công nghệ hoặc làm shipper sau giờ làm sẽ khá vất vả, nếu làm thì còn đồng nghĩa với việc phải chấp nhận không có thời gian rảnh dành cho bản thân, gia đình. Tuy nhiên, ưu điểm rất lớn của công việc này lại chính là không yêu cầu bạn phải có nguồn vốn lớn, chỉ cần 1 chiếc xe máy hoặc 1 chiếc ô tô (nếu gia đình đã có sẵn xe), là có thể kiếm thêm thu nhập.
3 - Nhờ bố mẹ, người thân mua thực phẩm ở quê để giảm chi phí ăn uống
Thịt, trứng, hải sản nếu mua ở quê đều sẽ rẻ hơn mua ở thành phố. Đây là điều chắc chắn. Nếu bạn không tin, hãy nhìn vào bảng liệt kê chi tiêu dưới đây của vợ chồng Hồng Thanh (sinh năm 1997). Đang sinh sống ở TP.HCM nhưng tiền ăn cả tháng của 3 người chỉ gói gọn trong 1,5 triệu đồng.
"Mẹ chồng mình có quen nhiều mối bán thịt ở quê nên mua được với giá rẻ lắm, mà thịt đều tươi ngon. Thịt heo khoảng 85k/kg; thịt bò 150-200k/kg, mẹ hay mua của hàng xóm tự thịt; gà 70kg/kg mà là gà thả vườn luôn nha; còn cá thì khoảng 30-60k/kg tùy loại.
Một tháng mẹ sẽ gửi thịt cá cho vợ chồng mình 2 lần, đủ để vợ chồng mình ăn cả tháng. Còn rau củ quả thì mình hay mua ở siêu thị, hay được giảm giá 30-50% nên tổng tiền ăn của hai đứa chỉ khoảng 1,5 triệu/tháng thôi" - Hồng Thanh từng chia sẻ.
Ngọc Linh