Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô - sửa đổi 1:2024 QCVN 31:2014/BGTVT.
Tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đề xuất bên cạnh tính năng cảnh báo bằng âm thanh cho lái xe trong các trường hợp: xe chạy quá tốc độ, lái xe điều khiển phương tiện quá 4 giờ liên tục; thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô còn phải có cảnh báo đối với trường hợp lái xe không thực hiện đăng nhập trước khi phương tiện di chuyển nhằm xác định rõ người lái xe.
Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất bổ sung quy định về tốc độ cài đặt trên thiết bị giám sát hành trình để các đơn vị có cơ sở cài đặt cảnh báo quá tốc độ cho phương tiện theo điều kiện thực tế và theo quy định tại Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ).
Theo đó, tốc độ giới hạn được cài đặt trên thiết bị phải dựa trên cơ sở tốc độ tối đa cho phép đối với từng loại xe cơ giới tham gia giao thông trên đường đôi, đường một chiều có từ hai làn xe cơ giới trở lên ngoài khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc) hoặc tốc độ tối đa theo từng cung đường trên bản đồ số.
Để phục vụ việc cảnh báo vi phạm thời gian lái xe của tài xế, dự thảo cũng đề xuất bổ sung quy định về cài đặt thời gian lái xe liên tục.
Cụ thể, phần mềm quản lý, khai thác của đơn vị kinh doanh vận tải phải cài đặt trên máy tính; có giao diện tiếng Việt; dữ liệu nhập, chuyển đổi vào phần mềm phải sử dụng phông chữ Unicode TCVN 6909:2001 và gõ dấu tiếng Việt.
Phần mềm phải có 3 tính năng. Đầu tiên là tính năng giám sát trực tuyến, hiển thị các thông tin vị trí xe trên bản đồ số, biển số xe, thông tin lái xe hiện tại (tên lái xe và số GPLX), tốc độ tức thời, tổng số lần quá tốc độ, số lần và thời gian dừng đỗ, thời gian lái xe liên tục và tổng thời gian lái xe trong ngày của lái xe đó.
Thứ hai là tính năng quản lý, khai thác dữ liệu, truy cập, tìm kiếm, lập bảng biểu, báo cáo, thống kê các dữ liệu theo quy định của Bộ GTVT về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT của xe ô tô.
Cuối cùng là tính năng thông báo trạng thái hoạt động của TBGSHT, phần mềm phải hiển thị được trạng thái của thiết bị tương ứng lắp trên xe hoạt động bình thường hoặc mất tín hiệu quá 30 phút.
Theo đó, thiết bị GSHT công bố hợp quy phải dựa trên kết quả chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được Bộ GTVT chỉ định theo quy định tại Nghị định số 132/2008/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Theo điều khoản chuyển tiếp của dự thảo quy chuẩn, Giấy chứng nhận hợp quy đã cấp cho kiểu loại/lô thiết bị GSHT sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu theo quy chuẩn cũ vẫn còn giá trị đến hết thời hạn ghi trên Giấy chứng nhận.
Đối với thiết bị GSHT đã lắp đặt trên phương tiện kinh doanh vận tải trước ngày quy chuẩn này có hiệu lực, chủ phương tiện phải thực hiện cập nhật, bổ sung các tính năng kỹ thuật theo quy định tại quy chuẩn này trước ngày 1/1/2027.
Theo Nghị định 47/2022/NĐ-CP (Nghị định 47) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, từ ngày 1/7/2023, đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp camera theo quy định của Nghị định này, khi tham gia kinh doanh vận tải lần đầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình có tích hợp camera để được cấp phù hiệu, biển hiệu.
Những xe kinh doanh vận tải buộc phải lắp camera hành trình bao gồm: Ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên; Ô tô kinh doanh vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo.
Nguyễn Luận