Mức phạt vi phạm nồng độ cồn khi lái xe được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) của Chính phủ.
Đối với người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn, mức tiền phạt sẽ từ 6 triệu đồng đến 40 triệu đồng, hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 24 tháng tùy mức vi phạm.
Đối với người điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn, mức tiền phạt từ 2 triệu đồng đến 8 triệu đồng (tùy mức vi phạm nồng độ cồn). Ngoài ra, lái xe phải chịu hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 24 tháng.
Đối với người điều khiển xe đạp vi phạm nồng độ cồn, mức tiền phạt sẽ từ 80 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng.
Theo thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an, từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023, toàn quốc xảy ra 5.883 vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia (chiếm 17,43% về tổng số vụ), làm chết 3.427 người, thiệt hại tài sản ước tính thành tiền khoảng 149.537,21 triệu đồng (chiếm 44,26% về tổng số tài sản bị thiệt hại trong các vụ tai nạn giao thông của năm).
Việc nắm rõ quy định và tuyệt đối không tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia vừa đảm bảo an toàn bản thân, vừa có trách nhiệm với xã hội. Thông qua mức xử phạt mang tính răn đe kể trên, các cơ quan chức năng kỳ vọng sẽ giảm tới mức thấp nhất tình trạng tai nạn có liên quan trong thời gian tới.
Với phương châm “không có vùng cấm - không có ngoại lệ - không có ngày nghỉ”; kiên quyết hình thành thói quen “đã uống rượu bia - không lái xe” trong ý thức của mỗi người dân, theo lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), trong năm 2024, ngành sẽ tiếp tục triển khai nhiều kế hoạch, chuyên đề về xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện nhằm giảm thiểu tối đa các vụ tai nạn giao thông do bia, rượu gây ra.
Nguyễn Luận