1001 chiêu móc túi người dùng
Theo chia sẻ của chị Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội), cách đây không lâu, khi đi làm qua đoạn đường Nam Trung Yên, gần KeangNam, xe của chị bị thủng săm, phải ghé vào một tiệm sửa xe ven đường để sửa. Nghĩ vá lốp không thôi thì cũng không mất bao nhiêu, có bị chặt chém thì cũng chỉ đến chừng 100 nghìn đồng là cùng nên chị cũng ngại phiền, không gọi điện hỏi người thân mà đồng ý cho thợ làm luôn. Quá trình kiểm tra, thợ thông báo dầu láp và dầu máy của xe chị đã đến lúc phải thay. Thấy thợ nhiệt tình, chị cũng nhờ kiểm tra giúp xem dạo này xe đi cảm giác hơi nặng tay lái. Thợ vá săm xong, lái xe đi vài vòng để kiểm tra rồi về đưa xe ra sửa tiếp. Cuối cùng, thợ hét giá tổng cộng gần 1 triệu đồng khiến chị không khỏi choáng. Hỏi ra thì được biết, ngoài tiền vá săm, chị còn phải trả tiền thay dầu máy, dầu láp hết 500 nghìn đồng, tiền kiểm tra bảo dưỡng máy, sửa cổ phốt hết 400 nghìn đồng. Thợ còn nhấn mạnh là “khuyến mại, tính rẻ” cho chị. Nghĩ một mình lại đi buổi tối nên chị cũng hơi sợ bèn nghĩ cách “hoãn binh”, nói với thợ không mang đủ tiền, trả trước một ít, sẽ đặt lại CMTND để sáng mai quay lại trả nốt. Sáng hôm sau, chị có nhờ được một người nhà có chút “máu mặt” đến để giải quyết cùng. Sau khi người nhà xem xét xe, hỏi han cặn kẽ, thương lượng không quên chút dọa nạt, thợ đành phải đồng ý với số tiền 350 nghìn đồng cho tất cả chi phí đưa ra. Khi về, chị Hoài còn bị người bạn mắng cho vì tội lâu lâu không chịu bơm xe dẫn đến việc tay lái cảm giác bị nặng.
Nhiều người vào cửa hàng chỉ để thay dầu nhưng lại bị thợ tư vấn, sửa chữa lên tới cả triệu đồng dù xe không có lỗi. (ảnh minh họa) |
Chuyện của chị Hoài chỉ là một trong số rất nhiều những trường hợp bị thợ sửa xe máy chặt chém vì không có hiểu biết về xe cũng như không may gặp phải thợ bất lương. Theo các chuyên gia về xe máy, hiện nay, các mánh móc túi khách hàng của thợ, có thể điểm danh ở những mánh cơ bản như sau:
Khi khách đem xe vào sửa ở những tiệm không quen vì những lỗi như thủng săm, thay dầu,… thường được thợ tư vấn kiểm tra thêm. Vì lý do an toàn của bản thân và vì tiện, nhiều người tặc lưỡi đồng ý. Lúc này, thợ mới tranh thủ “vẽ” thêm những lỗi khác của xe, cần phải sửa chữa, bảo hành gấp như rão xích cam, bánh răng bơm dầu có dấu hiệu quá tải, xe đi đoạn đường dài cần phải thay thế kim xăng, thêm bộ phận bảo vệ để tránh nguy cơ gây cháy nổ, rất nguy hiểm...
Nhẹ nhàng hơn, thợ chỉ gợi ý cần phải lắp thêm những bộ phận như các tấm inox bảo vệ, dán nilon tránh xước, lắp thêm khóa chống trộm, còi chíp… Với những khách “gà”, chỉ cần nghe nói “nếu không lắp bảo vệ ở chỗ này, khi có va chạm, bị vỡ ra, sẽ phải thay mới với giá lên đến 3 triệu đồng, trong khi lắp tấm bảo vệ chỉ hết 300.000 đồng thôi”, cũng khiến khách phải suy nghĩ. Những cái “tưởng”, sau khi được thợ vẽ ra với quảng cáo bảo vệ ưu việt, sơ sơ cũng khiến khách mất vài triệu đồng. Nếu lắp, khách hàng thậm chí còn phải đối diện với nguy cơ ảnh hưởng đến kết cấu xe vì lắp thêm quá nhiều chi tiết khiến xe nặng hơn, dễ bị nóng máy.
Ngoài việc “vẽ lỗi”, với những khách hàng không biết, khi vào tiệm sửa xe lại phó mặc cho thợ để chú tâm vào điện thoại, sách báo cũng tạo cơ hội cho thợ sửa xe “lợn lành thành lợn què” với những thủ thuật chỉ mất thời gian rất ngắn. Thậm chí thợ phá xe ngay trước mặt nhưng khách không hề hay biết như rút dây điện phía sau yếm ra khiến xe không đề, không nổ được, chỉnh lại ốc bưởng làm côn không ăn khiến xe không chạy được, chảy dầu, làm đứt dây mát hoặc dây kích làm xe không nổ được, giật tung chân van trong lúc tháo săm, đá gẫy giảm sóc, bẻ chân dây côn, đánh cao áp làm hỏng IC…Lúc này, số tiền khách hàng phải bỏ ra không chỉ là vài chục, vài trăm nghìn như dự đoán ban đầu mà còn có thể lên tới hàng triệu đồng. Nguy hại hơn, khi quyết định sửa chữa, thay thế những phụ tùng “hỏng” như lời của thợ, khách hàng vừa bị mất đồ xịn, vẫn đang dùng tốt, vừa phải dùng đồ Trung Quốc, đồ rởm với giá cao, mất an toàn.
Thực tế, có những lỗi cơ bản như xe lâu ngày không thay dầu khiến máy bị yếu, nhiều khói, thợ có thể căn cứ vào đó để bắt thêm các bệnh nặng như mòn séc măng, mòn su páp, đầu bò với chi phí lên tới cả triệu đồng.
Lời khuyên của chuyên gia
Theo anh Nguyễn Hùng, chủ một cửa hàng sửa chữa xe máy uy tín lâu năm tại Giảng Võ cho biết, cơ hội cho thợ chặt chém đều có nguyên nhân một phần từ sự bất cẩn, chủ quan của khách. Vì vậy, lời khuyên đầu tiên với những người sử dụng xe máy thường xuyên là phải tìm hiểu những kiến thức cơ bản về các lỗi của xe để tránh bị thợ móc túi dễ dàng.
Trong những tình huống bất đắc dĩ phải đưa xe vào tiệm không quen để sửa, khi quyết định cho thợ kiểm tra máy nên giám sát rất kỹ. Khi thợ “phán” xe mắc lỗi nặng, có thể sử dụng smartphone và truy cập mạng để tìm hiểu sơ qua xem có đúng lỗi hay không. Nếu thấy không yên tâm, khách hàng có thể gọi điện cho người quen, người có hiểu biết về xe để tham khảo thêm.
Nếu vào những cửa hàng không tin cậy, khách hàng cần đặc biệt không cho thợ bổ máy vì có thể sẽ bị hét giá "trên trời" cho cả những lỗi không có thật. |
Trong quá trình sửa chữa những lỗi cơ bản như thủng săm, thay lốp, thay dầu nếu xe xuất hiện thêm những lỗi bất thường, khách hàng không nên cho thợ mở máy ra để kiểm tra mà chỉ nên sửa theo đúng lỗi ban đầu để đi tạm. Sau đó, khách nên mang xe đến những tiệm quen, tin cậy để kiểm tra lại và sửa chữa khi cần thiết.
Đồng thời, chủ xe cũng thường xuyên đem xe đi bảo dưỡng định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất và các cơ sở bảo hành uy tín. Điều này sẽ hạn chế tối đa khả năng hỏng hóc đột ngột của xe khi đang lưu thông, tránh cho chủ xe trở thành khách hàng bất đắc dĩ của những tiệm sửa xe không uy tín.
Đ.Huệ