Sau khi Bộ GTVT có văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam với nội dung yêu cầu Cục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, bổ sung quy định dán thẻ ETC là thủ tục bắt buộc trong quy trình đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, dư luận đã có nhiều ý kiến, phản ứng trái chiều. Theo đó, đa số tài xế cho rằng, đây là quy định vô lý, nhằm phát sinh thêm "giấy phép con" khi đi đăng kiểm, tạo tiền lệ xấu.
Người dân cho rằng vì không phải ở tỉnh, thành phố nào cũng có đường cao tốc, trạm thu phí BOT. Vì vậy, nếu yêu cầu trên được thực hiện thì chủ xe tại các tỉnh đồng bằng, vùng nông thôn và miền núi không có đường cao tốc, trạm thu phí BOT ngẫu nhiên bị “ép” chi ra 120 nghìn đồng phí dán thẻ ETC.
Anh Nguyễn Văn Sơn, trú tại TP.Hà Tĩnh cho biết, hiện nhu cầu của gia đình anh chỉ loanh quanh nội đô thành phố, không lái xe đi xa, vì vậy yêu cầu phải dán thẻ ETC là không cần thiết.
Tương tự trường hợp của anh Nguyễn Văn Sơn là chuyện của vợ chồng chị Trần Hương Trà, trú TP. Vinh (Nghệ An). Chị Trà cho biết, gia đình mua xe chủ yếu phục vụ đưa đón con cái đi trong thành phố, chỉ cách nhà bán kính 5km, việc yêu cầu dán thẻ ETC mới cho đăng kiểm là một yêu cầu phi lý.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam (VATA) cho rằng, việc sử dụng thẻ ETC là lựa chọn cá nhân, theo nhu cầu của người dân, còn đăng kiểm xe là hoạt động theo quy định của nhà nước, phục vụ toàn dân. Đây là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, không thể đánh đồng, quy vào làm một.
Ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, Nghị định 123/2021/NĐ-CP có nội dung nêu rõ: Với ô tô đi vào cao tốc, trạm thu phí nhưng không dán thẻ ETC hoặc tài khoản ETC không đủ/có tiền để thanh toán phí đường bộ quãng đường mình lưu thông, tài xế sẽ bị xử phạt từ 2 đến 4 triệu, tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
“Như vậy, Nghị định này là quy định rất rõ ràng về việc lái xe phải tuân thủ thanh toán phí đường bộ thông qua thẻ ETC khi đi vào cao tốc, trạm thu phí BOT, còn ô tô không đi vào cao tốc, trạm BOT thì vẫn lưu hành bình thường trên các tuyến đường khác. Đây là quy định rất rõ ràng, nghiêm minh mà cơ quan quản lý, thực thi công vụ trên lĩnh vực giao thông vận tải cần thực hiện nghiêm, không cần thiết phải ban hành thêm các quy định, giấy phép con khác”, ông Quyền đề nghị.
Trao đổi trên báo Kinh tế Đô thị, Luật sư Nguyễn Danh Huế (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng mỗi chính sách công khi được ban hành sẽ tác động rất lớn đến các chủ thể trong xã hội. Vì thế cần thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp, cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.
Ông Huế khuyến cáo, cần cẩn trọng khi ban hành chính sách yêu cầu bắt buộc dán thẻ ETC khi đăng kiểm ô tô. Bởi ETC chỉ dành cho các phương tiện thường xuyên lưu thông trên các cao tốc, quốc lộ, có thu phí. Rất nhiều trường hợp ô tô không đi trên cao tốc, dán cái đó vào thì có phải là vô lý không?
Ngay sau khi tiếp nhận những ý kiến trái chiều của dư luận, Bộ GTVT đã tạm dừng quy định ô tô đi đăng kiểm phải dán thẻ ETC. Tuy nhiên, giới chuyên môn nhìn nhận, qua sự việc trên có thể thấy rõ việc ban hành chính sách một cách tùy tiện vẫn đang là căn bệnh khó chữa tại nhiều cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có Bộ GTVT.
Trước đó, Bộ GTVT đã không ít lần bị dư luận “réo tên” vì những đề xuất khó hiểu. Đơn cử, năm 2019, Bộ đề xuất đổi tên “trạm thu phí” thành “trạm thu giá”. Sau khi bị phản đối, Bộ tiếp tục đưa ra đề xuất đổi “trạm thu phí” thành “trạm thu tiền”. Đến năm 2020, cơ quan này tiếp tục gây chú ý với đề xuất các phương tiện mô tô, xe máy, xe đạp điện, máy điện phải bật đèn cả ban ngày khi lưu thông. Đương nhiên, tất cả đề xuất này sau đó đều phải thu lại vì vấp phải sự phản ứng mạnh của dư luận.
Tiến Đạt (tổng hợp)