1-2 năm trở lại đây chắc hẳn chúng ta ngày càng nghe nhiều hơn đến công nghệ trạm thu phí không dừng đang được từng bước triển khai trên cả nước. Đây là một dự án lớn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông vào mảng giao thông, là bước tiến đột phá trong hình thành giao thông thông minh trên các trục đường quốc lộ lớn nhất.
Thu phí không dừng trên các trục đường quốc lộ không chỉ tiết kiệm thời gian, giảm ùn tắc và giảm ô nhiễm môi trường cho người tham gia giao thông mà cũng giúp tiết kiệm cho nhà đầu tư BOT trong chi phí in vé, chi phí nhân sự, chi phí bảo trì mặt đường khu vực trạm thu phí, đồng thời tránh được thất thoát.
Thu phí không dừng cần một hành lang pháp lý đảm bảo lợi ích hài hòa của Nhà nước, chủ đầu tư BOT, VETC và chủ phương tiện. (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, không cần biết nhà đầu tư BOT và chủ phương tiện có đồng ý hay không nhưng từ giữa năm 2016, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ký hợp đồng với liên danh Công ty Cổ phần TASCO - Công ty CP VETC, Công ty TNHH thu phí tự động VETC (Gọi tắt là Công ty VETC). Hợp đồng này một mặt đề nghị các công ty BOT phải bàn giao cho trạm cho VETC, mặt khác buộc chủ xe ô tô phải mua và dán thẻ Etag.
VETC có lợi đơn, lợi kép từ từ hợp đồng BOO?
Ngày 13/7/2016, Bộ GTVT đã ký hợp đồng BOO số 09/HĐ.BOO-GTVT với công ty VETC về việc triển khai thực hiện dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên mà không có sự đồng ý, thống nhất của nhà đầu tư BOT (một bên chủ thể của Hợp đồng BOT, chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi hợp đồng BOO).
Theo luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng văn phòng luật Hoàng Hưng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) phân tích, tại thời điểm Bộ GTVT ký hợp đồng BOO cho công ty TNHH Thu phí tự động VETC có quyền nhận bàn giao trạm thu phí để thực hiện tổ chức thu phí hoàn vốn thay cho nhà đầu tư cho thấy chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về việc bắt buộc hay cho phép thực hiện như vậy. Do đó, Bộ GTVT không thể yêu cầu nhà đầu tư BOT thực hiện theo hợp đồng mà Bộ GTVT đã ký với một bên thứ ba khác.
Mặt khác, việc bàn giao trên nếu không có sự đồng ý, thống nhất của nhà đầu tư BOT (là một bên chủ thể của hợp đồng BOT, chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi hợp đồng BOO) là chưa phù hợp, vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 3 Bộ Luật dân sự 2015: “Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; Khoản 2 Điều 11 Luật Thương mại 2005: Trong hoạt động thương mại, các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe doạ, ngăn cản bên nào”.
VETC được lợi gì từ hợp đồng BOO? Theo cách thức thực hiện như hiện nay, để sử dụng dịch vụ các chủ phương tiện lái xe phải có một tài khoản giao thông trả trước để duy trì, sử dụng dịch vụ của VETC và toàn bộ số tiền này được nạp vào tài khoản ngân hàng do VETC là đơn vị thụ hưởng.
Tuy nhiên, số tiền nộp trước này của các chủ phương tiện lại không được tính lãi. Tính trung bình, mỗi xe ô tô nếu có khoảng từ 500.000 đồng - 1.000.000 đồng nạp vào tài khoản của VETC, nhân với khoảng 3 triệu xe ô tô đang lưu hành ở Việt Nam thì rõ ràng VETC đã huy động được khoảng từ 1.500 tỷ đồng - 3.000 tỷ đồng từ các chủ phương tiện lái xe. Và nếu số tiền nạp vào tài khoản trả trước của VETC này không được tính lãi theo lãi suất ngân hàng thì VETC đang chiếm dụng vốn của người dân với con số vô cùng khổng lồ.
Cũng theo cách thực hiện như hiện nay, doanh thu của các nhà đầu tư BOT sẽ được VETC chuyển trả sau 1 ngày (24 giờ). Như vậy, đối với tổng doanh thu của tất cả các trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên thì con số này không hề nhỏ và VETC có khả năng được hưởng lợi từ tiền lãi suất qua đêm đối với phần doanh thu của các nhà đầu tư BOT này.
Công ty TNHH thu phí tự động VETC là đơn vị thụ hưởng nhưng không đề cập đến vấn đề trả lãi cho chủ phương tiện. (Ảnh chụp website VETC) |
Luật sư Hoàng Văn Hướng kiến nghị, để đảm bảo lợi ích của cá nhà đầu tư BOT, VETC phải tính lãi suất qua đêm cho phần doanh thu thu được. Mặt khác, để đảm bảo lợi ích cho các chủ phương tiện, VETC phải tính lãi theo lãi suất ngân hàng đối với số tiền mà chủ phương tiện đã nộp vào tài khoản của VETC khi sử dụng dịch vụ.
Lộ trình bất cập, triển khai chồng chéo
Nhìn lại lộ trình thu phí không dừng ở tất cả các làn thu phí phải xong trong quý I/2019 do Tổng cục đường bộ Việt Nam đề ra cho thấy đang có sự bất hợp lý. Minh chứng, ở thời điểm này, mặc dù đã qua quý I/2019 nhưng việc thu phí ETC tại tất cả các trạm vẫn chưa tiến hành xong. Ở góc độ chủ sử dụng phương tiện cho thấy một thực tế, phần lớn người Việt Nam có thói quen dùng tiền mặt, hiện nay lại chưa có chế tài bắt buộc về việc cấm trả phí dịch vụ sử dụng đường bộ bằng tiền mặt và đặc biệt các đối tượng tham gia giao thông thường sẽ có nhu cầu sử dụng khác nhau.
Ngay cả các nước tiên tiến như Mỹ, Châu âu và một số nước láng giềng như Trung Quốc, Malaysia cũng áp dụng nhiều hình thức thu phí tại một trạm thu (thu phí hỗn hợp không dừng kết hợp với một dừng) để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người sử dụng.
Hơn nữa, thực tế hiện nay số lượng xe sử dụng hình thức thu phí điện tử tự động không dừng khi qua trạm thu phí còn rất ít. Đơn cử như số liệu thống kê tại trạm thu phí BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, từ tháng 5/2018 đến nay, lưu lượng xe sử dụng hình thức này chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ đạt khoảng 10% lưu lượng xe trung bình của 01 làn thu phí. Theo đó, nếu bất chấp và không quan tâm đến nhu cầu sử dụng của người dân mà vẫn đầu tư công nghệ thu phí ồ ạt 100% thì chắc chắn đầu tư không hiệu quả và gây lãng phí rất lớn cho xã hội.
Theo luật sư Hoàng Văn Hướng, việc áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng là hoàn toàn mới, lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam, dường như việc thực hiện lại không được tổ chức theo một quy trình cẩn thận, lớp lang với các công đoạn như thực hiện thí điểm, kiểm tra đánh giá chất lượng, đánh giá hiệu quả, kết luận…
Một trong những mục tiêu quan trọng khi triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng của Chính phủ, Bộ GTVT là để giảm chi phí cho xã hội. Thế nhưng, khi Bộ GTVT giao cho 02 doanh nghiệp (một doanh nghiệp tổ chức thực hiện thu phí; một doanh nghiệp giám sát, quản lý) thì rõ ràng bị chồng chéo, dẫn tới nguy cơ gây ra sự lãng phí đầu tư trùng lặp (hai lần), lãng phí phần mềm và các trang thiết bị máy móc đã được đầu tư trước đó (hệ thống vòng từ, hệ thống máy thu phí một dừng, camera, đường truyền...).
Tiếp đó là sự phát sinh chi phí giám sát, quản lý của doanh nghiệp. Trong khi việc theo dõi, giám sát quản lý các doanh nghiệp trong lĩnh vực này là trách nhiệm của Tổng cục đường bộ Việt Nam… Điều này cũng đã được Bộ Tài chính báo cáo Văn phòng Chính phủ để Bộ GTVT lưu tâm trong quá trình tổ chức thực hiện. Toàn bộ các thiệt hại nói trên sẽ được VETC tính vào dự án và lấy từ nguồn doanh thu của nhà đầu tư BOT. Những chi phí này, Nhà nước, các chủ phương tiện sẽ phải gánh chịu.
Phương án khả thi được không ít nhà đầu tư BOT đưa ra tại thời điểm này là việc tổ chức thu, kiểm soát trực tiếp tại trạm thu phí nên do nhà đầu tư BOT đảm nhận bao gồm lưu lượng xe, phân loại xe, tổ chức thu đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự…
Phía VETC chịu trách nhiệm kiểm soát doanh thu bao gồm doanh thu của nhà đầu tư BOT, tài khoản giao thông của chủ phương tiện, chuyển trả tiền cho các nhà đầu tư BOT, trừ tiền từ tài khoản giao thông của chủ phương tiện… Phải để chủ phương tiện giám sát nguồn tiền thu. Nếu có sai sót họ có thể trực tiếp phản ánh, kiến nghị ngay tới các cơ quan có thẩm quyền.
Công tác theo dõi, giám sát, quản lý do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà trực tiếp là Bộ GTVT, Tổng cục đường bộ Việt Nam thực hiện theo cơ chế giám sát quản lý Nhà nước, thanh kiểm tra đối với toàn bộ quá trình tổ chức thực hiện của cả hai doanh nghiệp, từ khâu thu phí tại trạm thu phí do nhà đầu tư BOT nhận chuyển giao lại đến tài khoản giao thông do Liên danh TASCO - VETC quản lý để kiểm soát chặt chẽ doanh thu, nếu phát hiện sai phạm thì doanh nghiệp đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Chủ trương của Thủ tướng và Chính Phủ về việc áp dụng công nghệ mới thu phí không dừng để đem lại sự thuận tiện, văn minh cho người dân là hoàn toàn đúng đắn. Điều này được thể hiện tại Quyết định số 07/2017/QĐ - TTg ngày 27-3-2017.
Theo Luật Đầu tư, tới thời điểm này nhiều trạm BOT vẫn chưa đến thời hạn kết thúc hợp đồng và bàn giao lại cho Nhà nước quản lý. Nhưng theo chỉ đạo của Bộ GTVT, các nhà đầu tư BOT vẫn phải bàn giao trạm cho đơn vị khác. Mấu chốt ở đây, các nhà đầu tư BOT cần một hướng dẫn pháp lý cụ thể, đảm bảo sự đúng đắn, công bằng và đảm bảo hài hòa, lợi ích của Nhà nước, chủ đầu tư BOT, VETC và chủ phương tiện.
HOÀNG SƠN