Ban Quản lý dự án 3 thuộc Cục Đường bộ Việt Nam (đơn vị được giao quản lý Công trình sửa chữa 6 cầu trên QL38 đoạn nối QL1 và QL5 qua tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hải Dương) vừa đề xuất phương án phân luồng giao thông qua cầu Hồ trên QL38 trong thời gian sửa chữa, Vietnamnet đưa tin.
Theo đó, phương tiện lưu thông trên QL38 hướng từ TP Bắc Ninh về cầu Hồ được phân luồng tại 2 điểm từ xa: Ở vị trí nút giao QL38 và TL287 lý trình Km8+400 phương tiện đi vào TL278; tại nút giao Km11+400 phương tiện đi vào QL38 cũ và điểm phân luồng tại chỗ: Tại nút giao QL38 và TL279 lý trình Km12+243 phương tiện đi vào TL279 để đi qua cầu Kinh Dương Vương.
Phương tiện lưu thông trên QL38 hướng từ Hải Dương về cầu Hồ phân luồng tại 2 điểm phân luồng từ xa: Tại vị trí nút giao QL38 và QL17 lý trình Km16+600 phương tiện đi vào QL17; tại nút giao Km15+200 phương tiện đi vào đường kênh Bắc và điểm phân luồng tại chỗ: Tại nút giao QL38 và TL280 lý trình Km13+430 phương tiện đi vào đường D20 để đi qua cầu Kinh Dương Vương.
Được biết, theo đề nghị của Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải đã điều chỉnh, bổ sung kế hoạch bảo trì quốc lộ năm 2024 từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ, trong đó, Dự án sửa chữa 6 cầu trên quốc lộ 38 đoạn nối quốc lộ 1 và quốc lộ 5 qua Bắc Ninh và Hải Dương (bao gồm cả sửa chữa cầu Hồ) được bố trí kinh phí 35 tỷ đồng.
Trong đó, dự án sửa chữa cầu Hồ dự kiến khởi công cuối tháng 11, thời gian sửa chữa trong 60 ngày, theo báo Công luận.
Sau hơn 20 năm đưa vào sử dụng, cầu Hồ nối Quốc lộ 38 chạy qua xã Tân Chi (Tiên Du) và phường Hồ (thị xã Thuận Thành) khẳng định vị trí huyết mạch khi kết nối, thúc đẩy giao thương, đi lại của người dân Nam và Bắc phần sông Đuống, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh.
Mặc dù các cơ quan, đơn vị chức năng thường xuyên rà soát, sửa chữa, khắc phục những phần hư hỏng, song do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan mặt cầu đang xuống cấp nghiêm trọng.
Vài năm gần đây, theo thống kê, lượng người và phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 38, đặc biệt đi qua cầu Hồ gia tăng đột biến về số lượng và tần suất. Đặc biệt là các loại xe có trọng tải lớn như container, đầu kéo...
Hiện mặt cầu Hồ xuất hiện không ít “ổ gà, ổ trâu”. Cầu thậm chí được đặt biệt danh là "cây cầu đau khổ" bởi có nhiều đoạn tróc hết lớp nhựa để lộ ra cả những tấm sắt lót, vô tình trở thành những “cái bẫy” rình rập người dân và phương tiện qua đây mỗi ngà, theo VOV.