Cao tốc Nha Trang-Cam Lâm về đích trước 3 tháng
Sau chưa đầy 2 năm thực hiện dự án, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải xác nhận đã đưa dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm về đích vượt tiến độ hơn 3 tháng.
Theo đánh giá, dự án hoàn thành và đưa vào thông xe sớm sẽ góp phần rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng kinh tế trọng điểm, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các khu công nghiệp. Nhất là thời điểm hiện nay, tỉnh Khánh Hòa đang bước vào cao điểm mùa du lịch, lượng khách di chuyển đến và đi rất lớn.
Việc hoàn thành và sử dụng dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm cũng sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu di chuyển thuận tiện của người dân trong khu vực, giảm tải cho QL1A. Phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc từ Bắc vào Nam sẽ vào cao tốc tại nút giao QL27C và ra cao tốc tại nút giao QL27B, xe đi từ Nam ra Bắc theo hướng ngược lại.
Trên cơ sở đó, Tập đoàn Sơn Hải đề nghị Bộ GTVT cho phép tổ chức lễ hoàn thành tuyến chính dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm vào khoảng thời gian từ ngày 27-30/5/2023.
Tăng chuyến bay, hạn chế tối đa tình trạng chậm, huỷ dịp lễ 30/4
Cục Hàng không VN vừa ban hành Chỉ thị tăng cường các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hàng không dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Theo đó, Cục Hàng không VN yêu cầu TCT Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cùng các cảng hàng không trực thuộc ACV, CHK quốc tế Vân Đồn xây dựng phương án phục vụ, có kế hoạch tăng cường nhân lực, đảm bảo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện nhằm duy trì chất lượng dịch vụ và an ninh trật tự tại cảng hàng không, phục vụ tốt, an toàn các chuyến bay, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Cục Hàng không VN cũng yêu cầu các hãng hàng không xây dựng kế hoạch tăng chuyến bay phục vụ trong các ngày cao điểm, bố trí các giờ bay đêm để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trên cơ sở phù hợp với hạ tầng và bảo đảm an toàn bay.
Bên cạnh đó, điều hành lịch bay để hạn chế tối đa chậm chuyến, hủy chuyến, đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ. Các hãng hàng không phải thực hiện nghiêm túc việc niêm yết, công bố, công khai giá bán và mức giá vé theo quy định.
Các hãng hàng không cũng được đề nghị chủ động phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời, liên tục cho các cảng hàng không, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các đơn vị phục vụ mặt đất để hoạt động vận chuyển hành khách bằng đường hàng không thông suốt, không bị gián đoạn, cũng như bảo đảm an ninh, an toàn và chất lượng dịch vụ trong quá trình vận chuyển hành khách.
Lãnh đạo Cục Hàng không VN lưu ý trường hợp có các chuyến bay bị chậm, hủy chuyến, hãng hàng không cần khẩn trương thông báo cho các cảng hàng không, sân bay và các đơn vị liên quan để xem xét điều chỉnh kịp thời công tác phục vụ khai thác, tránh lãng phí các nguồn lực. Hãng phải luôn bố trí đại diện có thẩm quyền giải quyết thắc mắc, khiếu nại của hành khách.
Loạn bãi xe không phép dưới ga tàu Cát Linh - Hà Đông
Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, hiện nay có nhiều bãi xe không phép vô tư mọc lên như nấm cạnh các nhà ga tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông, chiếm cả diện tích vỉa hè để trông xe thu tiền. Việc giữ xe không phép, không đảm bảo ẩn chứa những rủi ro lớn cho hành khách.
Trước đó, từ những ngày đầu khai thác, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội đã phát miễn phí hàng nghìn “Sổ tay hướng dẫn đi tàu”. Tại sổ này có danh sách 12 điểm trông giữ xe cho hành khách, tương đương với 12 nhà ga dọc tuyến.
Tuy nhiên thực tế, đa số điểm được gợi ý trong sổ tay lại không nhận trông giữ xe, điển hình như điểm Cây xăng Văn Khê (ga Văn Khê); Trường THCS Văn Khê, số 35 Phan Đình Giót, Hà Đông (ga La Khê); Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, 220 đường Láng (ga Láng); Học viện Y dược học cổ truyền (ga Phùng Khoang); Trung tâm TDTT số 102 Đặng Tiến Đông (ga Thái Hà)…
Trao đổi với Báo Giao thông về các bãi xe cạnh các nhà ga tuyến Cát Linh - Hà Đông, ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội khẳng định: “Sở GTVT Hà Nội không cấp phép các điểm trông giữ trên. Hoạt động của họ là hoạt động kinh doanh không phép”.
Theo ông Bảo, điểm đỗ xe có phép sẽ có biển (P) và thông báo tại vị trí để người dân biết, có niêm yết bảng giá, nhân viên mặc đồng phục và có vạch kẻ sơn. Vé trông giữ trả cho khách hàng có mã số thuế, có tên doanh nghiệp trông giữ và các số điện thoại niêm yết để bảo vệ người gửi.
Ông Bảo cũng cho biết, đã nắm được thông tin khách đi tàu rất khó khăn do thiếu các điểm gửi xe để lên tàu Cát Linh - Hà Đông. Sở GTVT Hà Nội đã đề nghị 4 quận trên dọc tuyến là Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội rà soát các vị trí có thể lập bãi trông giữ xe máy, xe đạp cho người dân đi tàu.
Song song đó, lực lượng Thanh tra Sở GTVT cũng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương kiên quyết xử lý các điểm trông giữ xe không phép hình thành dọc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Thành Đô (tổng hợp)