Mới đây, trong chương trình “Doctors Are Hot”, bác sĩ chuyên khoa gan mật và tiêu hóa Diệp Bỉnh Uy, làm việc tại Bệnh viện Cơ Đốc Phục Lâm, Đài Loan (Trung Quốc) đã chia sẻ về trường hợp bệnh nhân nam 20 tuổi phải nhập viện cấp cứu vì suy thận cấp sau khi ăn hàu.
Gia đình bệnh nhân chia sẻ, buổi tối trước khi nhập viện, chàng trai đã đi ăn cùng bạn bè và ăn khoảng 30 con hàu nướng. Sau khi về nhà, bệnh nhân bắt đầu bị đau bụng dữ dội, tiêu chảy nhiều lần. Thấy tình trạng của chàng trai trở nên nghiêm trọng nên gia đình đã đưa anh đến bệnh viện cấp cứu.
Bác sĩ Diệp Bỉnh Uy cho biết kết quả khám cho thấy chàng trai bị ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn đường ruột, sốc nhiễm trùng và bị suy thận cấp.
“Tình trạng của bệnh nhân khá nghiêm trọng nên chúng tôi đã sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc vận mạch và tiến hành truyền dịch. Tình trạng nhiễm trùng đã được kiểm soát hoàn toàn. Sau vài ngày theo dõi tại viện, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và được xuất viện”, bác sĩ Diệp Bỉnh Uy nói.
Nguyên nhân khiến chàng trai bị suy thận cấp
Chia sẻ về nguyên nhân khiến chàng trai bị ngộ độc, suy thận cấp, bác sĩ Diệp Bỉnh Uy cho biết, bệnh nhân bị ngộ độc do ăn phải hàu chứa vi khuẩn Vibrio vulnificus.
Vibrio vulnificus là một loại vi khuẩn cùng họ với vi khuẩn gây bệnh tả, thuộc nhóm vi khuẩn Vibrio. Vibrio vulnificus là vi khuẩn "ưa mặn", thường sống ở các vùng nước ấm ven biển có nhiệt độ bề mặt trên 13 độ C, chúng cũng thường được tìm thấy vùng nước lợ.
Theo trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, hiện nay có khoảng 12 loài Vibrio gây bệnh cho người.
Vi khuẩn Vibrio vulnificus có thể lây nhiễm sang người nếu người đó ăn hải sản sống hoặc chưa được nấu chín kỹ. Vi khuẩn cũng có thể lây nhiễm qua vết thương hở, vết xước khi một người tiếp xúc với vùng nước bị ô nhiễm.
Người nhiễm vi khuẩn Vibrio vulnificus cần được theo dõi và chăm sóc đặc biệt vì vi khuẩn có thể gây ra nhiều biến chứng nặng như sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng hoặc thậm chí là tử vong.
Dấu hiệu nhận biết và cách phòng ngừa
CDC Mỹ cho biết, triệu chứng phổ biến khi nhiễm trùng Vibrio vulnificus là tiêu chảy. Tình trạng tiêu chảy thường đi kèm với đau bụng, buồn nôn, nôn và sốt. Đối với những người có vết thương bị nhiễm trùng, các dấu hiệu cảnh báo có thể xuất hiện là vết thương đỏ, đau, sưng, nóng, vết thương đổi màu và tiết dịch.
CDC Mỹ khuyến cáo người dân nên hạn chế ăn hàu sống hoặc các loại thủy hải sản chưa được nấu chín kỹ. Ngoài ra, mọi người cũng cần rửa tay bằng xà phòng và nước sau khi xử lý chế biến các loại hải sản sống để ngăn ngừa vi khuẩn lây nhiễm vào cơ thể.
CDC cũng khuyến nghị những người có vết thương hở cần tránh xa khu vực nước mặn như biển để tránh vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương.
Mộc Miên