Tóm tắt nội dung chính:
- Chàng trai 24 tuổi xuất hiện 3 dấu hiệu, đi khám phát hiện suy thận giai đoạn cuối.
- Cách phòng ngừa nguy thận ở người trẻ.
Vào tháng 6/2024, bệnh nhân D. (24 tuổi, tại Phú thọ) cảm thấy đau đầu, choáng váng, mệt mỏi nên đã được gia đình đưa đi khám. Kết quả khám khiến D. bàng hoàng - anh được chẩn đoán suy thận giai đoạn cuối.
BSCKII Đinh Thị Thu Phương, Phó giám đốc Trung tâm thận – Lọc máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ), cho hay trường hợp bệnh nhân D. đã được tư vấn các phương pháp điều trị bao gồm: lọc máu chạy thận nhân tạo chu kỳ, lọc máu màng bụng và điều trị thay thế thận và ghép thận.
Bệnh nhân D. còn trẻ nên được khuyến khích nếu có đủ điều kiện thì nên ghép thận - đây là phương pháp tối ưu nhất cho bệnh nhân. Sau ghép, bệnh nhân sẽ có cuộc sống gần như người bình thường.
Sau khi cân nhắc, D. và gia đình đã chọn phương pháp điều trị ghép thận để tránh phải chạy thận nhân tạo chu kỳ. Người cho thận chính là mẹ của D.
Theo mẹ của D., khi nhìn thấy người suy thận mạn phải đi chạy thận 3 lần/tuần, bà không kìm được nước mắt. Bà không muốn cuộc sống của con trai sau này sẽ phải gắn bó với chiếc máy chạy thận.
“Con còn quá trẻ, tương lai của con còn rất dài. Tôi rất vui vì có thể cho con một quả thận để con sống khỏe mạnh”, mẹ của anh D. tâm sự.
Ngày 27/8, ca phẫu thuật lấy thận từ người mẹ và ghép thận cho người con đã được các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thực hiện thành công.
Sau 16 ngày ghép thận, sức khỏe anh D. ổn định, đã được cho ra viện.
Bác sĩ nội trú Dương Xuân Phương, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch – Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa phú Thọ, cho biết ekip đã quyết định lấy thận bên trái của mẹ bệnh nhân D., thực hiện ghép cho bệnh nhân. Thận sau ghép chức năng tốt, có nước tiểu ngay.
Phòng ngừa suy thận ở người trẻ
Hiện nay, nguyên nhân suy thận ở người trẻ vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có một số yếu tố nguy cơ có thể góp phần thúc đẩy sớm tình trạng suy thận, bao gồm:
- Chế độ ăn không cân đối, ăn nhiều đồ ăn nhanh hoặc thức ăn giàu năng lượng, dầu mỡ;
- Lười vận động;
- Thường xuyên thức đêm hoặc stress trong học tập và công việc;
- Ăn những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm có chứa chất bảo quản, hoá chất…;
- Mắc các bệnh rối loạn chuyển hoá như mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường nhưng không phát hiện và điều trị kịp thời.
Để phòng ngừa suy thận, mọi người cần xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, tăng cường vận động để duy trì sức khoẻ, hạn chế nguy cơ mắc rối loạn chuyển hoá. Ngoài ra, mọi người nên ăn uống cân bằng dinh dưỡng: ăn đủ các nhóm chất, hạn chế ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, hạn chế dùng nước ngọt có ga và tránh ăn những thực phẩm có chứa chất bảo quản để bảo vệ sức khỏe của thận.
Người trẻ cần tăng cường thể dục thể thao, học tập và làm việc cần sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý để tránh bị căng thẳng quá mức, tránh thức khuya.
Ở người trẻ, khi có vấn đề về tăng huyết áp thì cần nghĩ tới bệnh thận mạn; nên có thói quen đi khám định kỳ kiểm tra chức năng thận.
Ngọc Minh