Chỉ đạo "nóng" khắc phục lỗi thu phí không dừng
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị rà soát, khắc phục ngay các tồn tại, lỗi kỹ thuật trong quá trình vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng thời gian qua...
Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, xử lý triệt để các bất cập của hệ thống thu phí không dừng, nhất là trên các tuyến cao tốc và các tuyến đường giao thông huyết mạch. Bên cạnh đó, có phương án xử lý phù hợp, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tại các trạm thu phí làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.
Đối với các nhà cung cấp dịch vụ, VEC và các nhà đầu tư BOT, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chủ động rà soát, khắc phục ngay các tồn tại, lỗi kỹ thuật trong quá trình vận hành hệ thống thu phí không dừng, nhất là lỗi không nhận diện thẻ định danh của phương tiện; tăng cường nhân lực có chuyên môn và kinh nghiệm thường trực đường dây nóng để xử lý các sự cố phát sinh, kịp thời hỗ trợ chủ phương tiện có nhu cầu kích hoạt hoặc chuyển đổi tài khoản thu phí giữa các nhà cung cấp dịch vụ thu phí.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ ngày 1/8, tất cả các tuyến cao tốc đã thực hiện thu phí tự động hoàn toàn. Các phương tiện không đủ điều kiện thu phí ETC như không dán thẻ, không đủ tiền trong tài khoản giao thông không được đi vào cao tốc.
Hơn 12.000 xe tang vật ở TP.HCM sung công quỹ
Tính đến ngày 28/2, Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) đang tạm giữ 31.511 phương tiện. Công an đã ký quyết định tịch thu, sung ngân sách 12.845 xe vi phạm hành chính, trong đó chủ yếu là xe mô tô 2 bánh.
Trong đó, 3.955 phương tiện đang tổ chức bán đấu giá, còn 8.890 xe được trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản. Ngoài ra, có 18.233 xe đã hết thời hạn tạm giữ, đang chờ xác minh xử lý.
Theo quy định của pháp luật, tang vật quá thời hạn tạm giữ mà không xác định được chủ sở hữu, công an phải 2 lần thông báo công khai.
Hết một năm kể từ thông báo thứ 2 (niêm yết công khai) trên các phương tiện thông tin đại chúng, sau 5 ngày không ai đến nhận thì cơ quan có thẩm quyền mới tịch thu. Sau đó, công an mới lập phương án xử lý để đấu giá tài sản.
Hiện, kinh phí kho bãi để lưu giữ xe tang vật, tạm giữ khá lớn, nên công an không có quỹ đất chứa tang vật. Để giảm số phương tiện này, năm 2021-2022, Công an TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị lập tổ tham mưu xử lý, và kéo giảm số xe tồn đọng 30-40%. Thành phố cũng đề xuất Bộ Công an phân cấp, uỷ quyền trong phê duyệt phương án, rút ngắn thời gian xử lý tang vật.
Chuyên gia cảnh báo về đề xuất lắp mái che dọc vỉa hè đường Lê Lợi
Liên quan tới đề xuất lắp mái che dọc vỉa hè đường Lê Lợi (Quận 1, Tp.HCM), TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP HCM trao đổi trên báo Người Lao động, cho rằng việc tạo bóng cho người dân, du khách khu vực trung tâm là tốt, tuy nhiên phương án lắp mái che bằng tôn là không phù hợp. Ngoài kinh phí đầu tư còn phải tốn chi phí bảo trì, bảo dưỡng. Khi trời mưa gió, mái che có thể bị đổ sập nếu không được quản lý tốt.
Ông Võ Kim Cương cho rằng nên làm cây xanh trước và mái che thì phải tính vào một chương trình chung, một dự án để chuyển đường Lê Lợi thành đường đi bộ. Khi đó, cơ quan chức năng phải tính toán rất nhiều việc, trước hết là đảm bảo giao thông tuyến đường, xem xét toàn bộ cảnh quan khu vực.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Hữu Nguyên cho rằng phương án này sẽ không được nhiều người thống nhất vì có nhiều điểm không lợi. Mái che với khung sắt, lợp tôn có thể che nắng nhưng nóng, bên dưới cũng không thoáng gió. Ngoài ra, còn phương tiện đi lại, xe giao hàng ra vào nên tính toán chiều cao cũng phức tạp.
Thành Đô (tổng hợp)