Xe cá nhân không bắt buộc lắp camera giám sát
Bộ Công an vừa hoàn tất dự thảo lần 4 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đề xuất một số quy định mới.
Trong đó, tại Điều 33 quy định Điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ, dự thảo lần 4 yêu cầu xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải "có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định".
Đã có nhiều ý kiến tranh cãi diễn ra về việc xe cá nhân phải lắp camera giám sát. Trước những băn khoăn trên, Cục CSGT cho biết, đây không phải quy định bắt buộc mà chỉ khuyến khích thực hiện.
Theo đó, cơ quan chức năng sẽ không thu thập dữ liệu từ các thiết bị này mà chỉ đề nghị người dân hợp tác, cung cấp khi xảy ra các sự cố trên đường hoặc ghi nhận được các sự cố của xe khác.
Vật thể bay và đèn trời uy hiếp an toàn bay
Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài cho hay, trước thềm Tết Trung thu, đơn vị ghi nhận nhiều vụ phi công phản ánh vật thể bay không người lái và đèn trời có nguy cơ uy hiếp an toàn bay.
Còn tính từ đầu năm đến ngày 25/9/2023, Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài ghi nhận 3 trường hợp đốt rơm rạ, 7 trường hợp chiếu lazer và 10 trường hợp thả diều, bóng bay uy hiếp an toàn bay.
Đặc biệt, riêng ngày 23/9/2023, có 4 trường hợp tổ lái các chuyến bay thông báo phát hiện đèn trời và các vật thể không người lái trong quá trình tiếp cận hạ cánh, cất cánh lấy độ cao ở khu vực thuộc huyện Đông Anh và Sóc Sơn, gây uy hiếp an toàn bay.
Qua kiểm tra xác minh, công an các xã phát hiện phía đầu Tây đường cất hạ cánh (khu vực xã Thanh Xuân) tổ chức tết trung thu cho các cháu có thả đèn trời và phía đầu Đông đường cất hạ cánh (thuộc xã Xuân Nộn) có thả diều. Lực lượng Công an khu vực đã quán triệt, nhắc nhở và tịch thu diều.
Để phòng ngừa trường hợp tương tự gây rủi ro mất an toàn, Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài đã gửi văn bản đề nghị UBND các xã lân cận sân bay chỉ đạo các đơn vị liên quan truyền thông đến toàn bộ người dân (đặc biệt là các cháu nhỏ) về mức độ nguy hiểm của diều, đèn trời, vật thể bay không người lái và các loại bóng bay bơm khí nhẹ hơn không khí đối với hoạt động bay để có biện pháp phòng tránh.
Ngoài ra, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài đã gửi văn bản đến chính quyền các địa phương nằm trong vùng ảnh hưởng đến hoạt động bay để tuyên truyền, quán triệt người dân.
Hà Nội phân luồng giao thông phục vụ Lễ hội Trung Thu Phố cổ
Lễ hội Trung thu Phố cổ Hà Nội năm 2023 diễn ra từ ngày 22-29/9 tại Chợ Trung thu Truyền thống Hàng Mã, khu vực Chợ Đồng Xuân, kết hợp với tuyến phố đi bộ Hàng Đào-Hàng Giấy, không gian Bích Họa phố Phùng Hưng, không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, đến sáu phố trong khu bảo tồn cấp 1 Phố cổ Hà Nội và nhiều điểm di sản văn hóa trên địa bàn quận. Vì vậy, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa ban hành kế hoạch phân luồng, bố trí các điểm giao thông phục vụ Lễ hội Trung thu Phố cổ 2023.
Các phương tiện giao thông không đi vào các đường, phố Hàng Mã (đoạn từ Hàng Cót-Hàng Gà đến ngã tư Hàng Đường-Đồng Xuân), Hàng Lược, Hàng Rươi, Hàng Chai, Hàng Khoai (đoạn từ ngã tư Đồng Xuân-Hàng Giấy đến ngã ba Hàng Khoai-Hàng Lược) và phố Phùng Hưng (từ ngã ba Lê Văn Linh-Phùng Hưng đến Hàng Cót-Phùng Hưng).
Về phương án phân luồng, các phương tiện giao thông đi từ phía Đông sang phía Tây và ngược lại theo các đường phố Phan Đình Phùng, Hàng Đậu, Lò Rèn, Hàng Cá, Ngõ Gạch, Hàng Vải, Lãn Ông.
Các phương tiện giao thông đi từ phía Bắc sang phía Nam và ngược lại theo các đường Lý Nam Đế, Phùng Hưng, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải.
Các phương tiện giao thông (xe máy, xe đạp điện, xe đạp) của các hộ dân trong khu vực cấm đường để phục vụ tổ chức Lễ hội Trung thu Phố cổ được phép đi ra, vào và có vé của Ban Quản lý Lễ hội để quản lý, bảo đảm trật tự an ninh, an toàn giao thông khu vực.
Nam Lê (tổng hợp)