Hà Nội đề xuất mức thu phí sử dụng 1.900 đồng/1km đường Vành đai 4
UBND thành phố Hà Nội vừa báo cáo bổ sung với HĐND thành phố về việc ý kiến tác động thực hiện dự án thành phần 3 (PPP) thuộc dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô.
Theo UBND thành phố Hà Nội, sau khi Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định đánh giá tính khả thi khi triển khai theo hình thức PPP, dự án thành phần 3 được phê duyệt, việc lựa chọn Nhà đầu tư dự án thành phần 3 phụ thuộc rất lớn vào tình hình kinh tế trong nước và thế giới.
Tuy nhiên, trong trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức PPP sẽ có một số lợi thế so với hình thức khác do huy động được nguồn lực từ xã hội, giảm áp lực vốn ngân sách Nhà nước đối với công trình có quy mô lớn như dự án thành phần 3. Bên cạnh đó còn giảm đáng kể nguồn ngân sách nhà nước cần bố trí để phục vụ quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình.
Trên thực tế, chi phí quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ cao tốc hiện nay trung bình khoảng 3 tỷ đồng/km/năm. Tính riêng 112,8 km trên tuyến đường Vành đai 4, mỗi năm ngân sách nhà nước tốn khoảng 300 tỷ đồng, chưa bao gồm các chi phí để thành lập, duy trì hoạt động của bộ máy quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình.
Mặt khác, đây là dự án đầu tư tuyến mới nên có sự lựa chọn cho người sử dụng dịch vụ, thu phí theo chiều dài sử dụng nên đảm bảo tính công bằng cho người sử dụng. Khung phí sử dụng dịch vụ đường bộ của dự án tham chiếu áp dụng theo khung giá vé của dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 theo hình thực hợp đồng BOT đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Với thời gian dự kiến đưa vào khai thác năm 2027, mức thu phí cơ sở là 1.900 đồng/xe/km (dưới 9 chỗ ngồi, xe tải dưới 2 tấn).
Giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc được điều chỉnh tăng 3 năm/1 lần với mức giá vé tính cho xe tiêu chuẩn, phù hợp theo khung giá được quy định tại Thông tư 35/2016/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.
UBND thành phố Hà Nội cho biết, tính theo khung giá này sẽ đảm bảo khả năng thu hồi vốn và có lợi nhuận cho Nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án. Mặc khác, mức thu phí này phù hợp với sức chi trả của người sử dụng phương tiện.
Tiếp tục đấu giá hàng trăm biển số ô tô đẹp trong tháng 9
Ngày 25/9, Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam tiếp tục tổ chức các phiên đấu giá 48 biển số thuộc dải biển số của 21 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thời gian mở sàn đấu giá từ 8h buổi sáng và 13h30 buổi chiều. Mỗi phiên kéo dài trong một tiếng, các phiên đấu kế tiếp được mở cách nhau 15 phút.
Thời gian đấu giá cụ thể trong ngày 25/9 là:
- 8h đến 9h đấu giá các biển số: 77A-288.99; 30K-599.99; 81A-368.68; 51K-888.66; 30K-538.38; 30K-569.69; 66A-228.88 và 51K-777.79.
- 9h15 đến 10h15 gồm: 30K-555.79; 60K-388.88; 30K-567.88; 99A-666.86; 90A-226.66; 30K-616.89; 65A-389.99; 34A-696.68.
- 10h30 đến 11h30 gồm: 98A-668.68; 51K-909.09; 14A-799.99; 30K-599.95; 38A-559.99; 51K-899.99; 30K-566.11 và 37K-188.88.
- 13h30 đến 14h30 gồm: 30K-559.55; 30K-616.68; 30K-565.68; 51K-979.79; 51K-866.89; 65A-388.88 và 30K-396.66.
- 14h45 đến 15h45 gồm: 15K-189.99; 51K-898.89; 95A-111.11; 64A-166.88; 30K-596.69; 78A-177.77; 99A-656.99 và 88A-617.89.
- 16h đến 17h gồm: 64A-168.68; 30K-598.89; 74A-234.56; 14A-828.88; 77A-289.89; 99A-658.88; 30K-568.79 và 77A-289.99.
Tiếp đó trong ngày 26/9, 27/9, tiếp tục có 50 biển số được lên sàn mỗi ngày. Người tham gia đấu giá sẽ phải nộp trước 40 triệu đồng cùng 100.000 đồng chi phí đấu giá lần lượt trước 16h30 ngày 23/9 và 24/9.
Cục Đường bộ Việt Nam phê bình sở GTVT 7 địa phương
Cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) vừa có văn bản gửi các Khu quản lý đường bộ, các Sở GTVT quản lý quốc lộ và các Ban QLDA thuộc Cục và phê bình 7 sở GTVT địa phương do giải ngân vốn bảo trì hệ thống quốc lộ thấp.
Cụ thể, tính đến nửa đầu tháng 9, nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện giải ngân trên 60% dự toán chi nguồn kinh phí sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ được giao. Tuy nhiên các đơn có tỉ lệ vốn giải ngân thấp, không bảo đảm hoàn thành giải ngân vốn được giao.
Cụ thể: Sở GTVT Hòa Bình mới giải ngân hơn 39%, Sở GTVT Thái Nguyên đạt tỷ lệ giải ngân hơn 46%, Sở GTVT Hà Giang đạt hơn 47%, Sở GTVT Vĩnh Phúc đạt hơn 47%, Sở GTVT Bắc Ninh đạt hơn 48%, Sở GTVT Nam Định đạt hơn 47%, Sở GTVT Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 49%.
Cục ĐBVN phê bình các đơn vị giải ngân chậm, không thực hiện theo kế hoạch của Cục và yêu cầu các cơ quan, đơn vị kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm để có giải pháp khắc phục đồng thời báo cáo Cục ĐBVN các khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp xử lý trước ngày 30/9.
Đối với các công trình được bổ sung Kế hoạch bảo trì và giao dự toán chi năm 2023, các chủ đầu tư, ban QLDA căn cứ điều kiện triển khai thực tế để quyết định việc cho tạm ứng hợp đồng (không quá 10% tổng mức đầu tư công trình). Đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện hoàn thành đúng tiến độ, giải ngân kinh phí quản lý, bảo trì đã được lập dự toán.
Nam Lê (tổng hợp)