Cụ thể, trong năm 2023 mảng bảo hiểm vật chất xe cơ giới mang về tổng doanh thu 17.754 tỷ đồng, giảm 1,9% so với năm 2022. Quy mô thị trường bảo hiểm xe cơ giới của Việt Nam trị giá tương đương 745 triệu USD, tính đến hết 31/12/2023.
Mặc dù tổng doanh thu giảm nhưng số tiền chi trả bồi thường tương ứng trong năm lại tăng lên 9.315 tỷ đồng - bằng 52,5% tổng doanh thu.
Trong đó, doanh thu của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 4.342 tỷ đồng, giảm 0,6% so với cùng kỳ. Số tiền chi bồi thường 948 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 21,8%. Doanh thu bảo hiểm vật chất xe cơ giới tự nguyện đạt 13.412 tỷ đồng, giảm 2,4% so với năm 2022. Tổng số tiền chi bồi thường 8.366 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 62,4%. Như vậy, tỷ lệ bồi thường bảo hiểm xe cơ giới đã có sự tăng vọt, cao gần gấp đôi tỷ lệ bồi thường rủi ro cho các phương tiện khác như bảo hiểm tàu thuyền, bảo hiểm máy bay, bảo hiểm cháy nổ…
Theo công bố của Bộ Tài chính trước đó, trong các năm 2022 và 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới lần lượt là 18.275 và 16.252 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường chỉ là 49% và 44,8% doanh thu tương ứng, riêng năm 2023 tăng vọt trên 62%.
Theo các chuyên gia, so với những năm trước, tỷ lệ bồi thường mảng xe cơ giới của 2023 cũng tăng cao, mặc dù doanh thu không tăng tương ứng, thậm chí còn giảm, nếu xu hướng này tiếp tục, có thể khiến cho các doanh nghiệp bảo hiểm phải đối diện với nguy cơ thua lỗ nặng trong thời gian tới.
Thực tế, doanh thu phí bảo hiểm đã bao gồm trong đó tiền chi trả bồi thường, chi phí quản lý và hoa hồng đại lý. Đơn cử, đối với bảo hiểm vật chất tự nguyện xe cơ giới, mức chi hoa hồng đúng quy định là 10%, đồng thời đại lý có thể được thưởng thêm khoảng 5% doanh thu nếu đạt KPI. Như vậy mức hoa hồng tối đa là 15%. Chi phí quản lý gồm vận hành mạng lưới chi nhánh toàn quốc, chi lương của giám định viên, nhân viên kinh doanh và các phòng ban nghiệp vụ, sau cùng là nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước nếu hạch toán có lãi.
Nếu mức bồi thường chiếm trên 50% doanh thu thì bảo hiểm đã có bắt đầu chịu lỗ, nếu chi bồi thường trên 60% doanh thu thì đang lỗ nặng.
Cũng theo các nguồn tin, doanh thu bảo hiểm xe cơ giới sụt giảm xuất phát chủ yếu từ việc lượng xe mới bán ra trong năm 2023 đã giảm đi đáng kể, nhiều xe được đem làm tài sản thế chấp ngân hàng không được mua bảo hiểm đầy đủ...
Theo dự đoán, bước sang năm 2024, khi thị trường xe mới tiếp tục gặp nhiều khó khăn cũng sẽ có những tác động trực tiếp tới thị trường bảo hiểm xe cộ. Theo số liệu công bố từ VAMA, tính chung cả năm 2023, các đơn vị thành viên Hiệp hội này có tổng doanh số bán 301.989 xe các loại, giảm tới 25% so với năm trước. Doanh số cả ba phân khúc xe đều giảm mạnh, xe ô tô du lịch giảm 27%, xe thương mại giảm 16% và xe chuyên dụng giảm đến 56%. Trong khi đó TC Group cũng công bố doanh số xe Hyundai mà đơn vị này bán ra trong năm 2023 đạt 67.450 xe, giảm gần 20% so với năm 2022.
Hiện, để kích cầu doanh số bán hàng, nhiều hãng xe trong nước cũng đang đồng loạt triển khai các chương trình ưu đãi sâu về giá, đi kèm các quà tặng hấp dẫn, tuy nhiên tháng 1/2023 tổng doanh số bán ra trên thị trường cũng không khá khẩm hơn nhiều. Cũng theo số liệu thống kê từ VAMA, doanh số bán hàng của toàn thị trường xe Việt của các thành viên trong tháng 1/2024 đạt 19.243 xe. Nếu tính tổng doanh số của TC Motor và VAMA thì thị trường xe hơi trong nước tiêu thụ được toàn bộ 22.812 xe các loại, giảm tới 26.812 xe so với tháng 12/2023 đạt 49.624 xe.
Nam Lê (tổng hợp)