Đề xuất siết đào tạo cấp bằng lái xe máy để ngăn tai nạn
Thống kê từ Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy, TNGT do người đi xe máy chiếm chủ yếu và đang có xu hướng gia tăng. Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2022, TNGT do xe máy gây ra chiếm hơn 59% số vụ, tăng gần 3% so với cùng kỳ. Hiện, nhu cầu của người dân về việc sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại hàng ngày vẫn rất lớn. Nhiều chuyên gia đã có ý kiến đề xuất liên quan việc đào tạo cấp bằng lái xe máy để ngăn TNGT.
Theo TS. Nguyễn Minh Hiếu, Trường Đại học GTVT, để hạn chế TNGT liên quan tới xe máy cần tổng hợp nhiều nhóm giải pháp. Trong đó, nhóm giải pháp liên quan tới người lái là quan trọng nhất.
Việc đào tạo và cấp bằng lái xe máy cần thực hiện chặt chẽ hơn. Tình trạng học sinh điều khiển xe máy cần được quan tâm và hạn chế quyết liệt hơn. Cùng đó, nhóm đối tượng xe ôm công nghệ cũng cần được chú ý hơn vì họ thường phóng nhanh vượt ẩu do áp lực đơn hàng.
Ông Lê Văn Đạt, Trưởng phòng An toàn giao thông và Phân tích cơ sở dữ liệu GTVT - Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho rằng, cần bổ sung thêm loại GPLX cho người điều khiển xe gắn máy có dung tích nhỏ hơn 50cm3, về độ tuổi nên quy định từ 16 tuổi trở lên phải thi GPLX.
Cùng đó, nghiên cứu, xem xét thiết lập hệ thống cấp GPLX tạm thời cho người mới lái và hệ thống điểm an toàn cho người lái xe, bổ sung thời hạn cấp đổi GPLX đối với hạng A1, A2.
Doanh thu bảo hiểm xe máy đạt 1.077 tỷ đồng, chi bồi thường 27 tỷ đồng
Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), ước tính hết quý 3, số chi bồi thường bảo hiểm xe máy là 27 tỷ đồng, trong khi số thu 1.077 tỷ đồng.
Trước nhiều đề xuất cho rằng có thể bãi bỏ quy định bảo hiểm bắt buộc với phương tiện này, ông Ngô Việt Trung – Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho rằng vẫn cần tiếp tục quy định bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với phương tiện này.
Theo ông Trung, xe cơ giới bao gồm ôtô, xe máy là nguồn nguy hiểm cao độ khi vận hành, hoạt động và tham gia giao thông có thể gây thiệt hại tới sức khỏe, tính mạng, tài sản của bên thứ ba. Trong khi đó, nhiều trường hợp chủ xe đã tử vong khi xảy ra tai nạn hoặc đang gặp khó khăn về tài chính, không có đủ khả năng chi trả bồi thường cho nạn nhân.
Tại Việt Nam, xe máy vẫn là nguồn phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu và là nguồn gây tai nạn lớn nhất. Theo số liệu của Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia, trong giai đoạn 2016-2020, hơn 63% nguyên nhân gây ra tai nạn đến từ phương tiện xe máy. Trong các trường hợp này, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bao gồm cả xe máy, là giải pháp tài chính, công cụ chuyển giao rủi ro từ chủ xe sang các doanh nghiệp bảo hiểm.
Ông Trung cũng cho biết hiện nay, hầu hết quốc gia đều áp dụng bảo hiểm bắt buộc với chủ xe ôtô, mô tô, xe máy, thậm chí có quốc gia còn áp dụng cả với xe đạp điện.
Để khắc phục một số hạn chế trong việc chi trả bảo hiểm xe máy, đại diện Bộ Tài chính cho biết trong thời gian tới, cơ quan quản lý bảo hiểm sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định nhằm tăng tỷ lệ chi bồi thường đối với bảo hiểm của chủ xe máy.
TP.HCM đề xuất xây cầu dây văng Phú Mỹ 2 kết nối tỉnh Đồng Nai
Sở GTVT TP.HCM vừa có văn bản về phương án quy hoạch xây cầu kết nối tỉnh Đồng Nai, trong đó đề xuất bổ sung xây dựng mới cầu Phú Mỹ 2 và Đồng Nai 2.
Theo thiết kế, hướng tuyến cầu Phú Mỹ 2 sẽ từ sông Đồng Nai đi theo đường Hoàng Quốc Việt (6 làn xe) và kết nối 2 làn xe vào đường Đào Trí (quận 7), đi theo đường Hoàng Quốc Việt kết nối nhánh rẽ với đường Nguyễn Lương Bằng (quận 7). Sau đó tiếp tục kết nối vào đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn từ đường Nguyễn Lương Bằng đến đường Nguyễn Hữu Thọ, 4 làn xe).
Vị trí giao cắt với đường Nguyễn Hữu Thọ đề xuất bố trí nút giao khác mức (dự kiến phần tuyến chính đường Nguyễn Hữu Thọ đi trên cao) để hạn chế ảnh hưởng đến các đồ án quy hoạch.
Mặt cắt ngang cầu chính Phú Mỹ 2 gồm 6 làn xe rộng 27,5m, dự kiến xây cầu dây văng. Cầu Phú Mỹ 2 sẽ kết nối khu Nam TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (thông qua hướng đi từ đường Đào Trí).
Cùng với cầu Phú Mỹ 2 là cầu Đồng Nai 2, cầu này kết nối TP Thủ Đức với huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)