Ô tô thiết kế 1 đèn lùi bị trượt đăng kiểm là làm sai
Trước những phản ánh của người dân về việc bị trượt đăng kiểm vì xe chỉ có thiết kế 1 đèn lùi, mới đây đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam đã cho biết, hiện nay, kiểu loại ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới được chứng nhận theo quy chuẩn Việt Nam QCVN 09:2015/BGTVT do Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Theo đó, số lượng đèn lùi của ô tô được quy định là 1 hoặc 2 đèn. Vì vậy, một số loại xe như Hyundai Kona, Hyundai Tucson, Ford Ecosport… đã được cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường chỉ được trang bị 1 đèn lùi.
“Nếu có việc từ chối đăng kiểm cho phương tiện với lý do “một đèn lùi không sáng” trong trường hợp xe Hyundai Kona nêu trên thì đăng kiểm viên đã thực hiện không đúng quy định, cần phải chấn chỉnh, xử lý ngay”, đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết.
Như vậy, với những xe có thiết kế 1 đèn lùi, vẫn được đăng kiểm thông qua như bình thường.
Lấy ý kiến về việc tăng lệ phí cấp mới giấy chứng nhận đăng ký, biển số ô tô, xe máy
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân với Dự thảo Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, thay thế Thông tư số 229/2016/TT-BTC.
Theo dự thảo Thông tư, mức thu lệ phí cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kèm theo biển số xe đối với ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống (bao gồm cả xe con pick-up), lệ phí có 1 mức thống nhất là 20 triệu đồng/lần/xe tại khu vực I (gồm Hà Nội và TPHCM), thay vì là từ 2-20 triệu đồng/lần/xe như quy định hiện hành.
Các khu vực II (gồm các thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ; các thành phố trực thuộc tỉnh và các thị xã) và khu vực III (các địa phương còn lại), mức lệ phí giữ nguyên như hiện hành, lần lượt là 1 triệu đồng/lần/xe và 200.000 đồng/lần/xe.
Đối với xe ô tô trừ xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống (bao gồm cả xe con pick-up), mức thu tại khu vực I thống nhất là 500.000 đồng/lần/xe thay cho mức từ 150.000 - 500.000 đồng/lần/xe như hiện nay. Đối với khu vực II và khu vực III, mức thu đều là 150.000 đồng/lần/xe.
Đối với xe máy, lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tính theo giá trị xe và theo khu vực.
Theo đó, đối với xe có giá trị trên 40 triệu đồng: Mức lệ phí được quy định thống nhất là 4 triệu đồng (khu vực I) thay cho quy định hiện hành là mức thu từ 2-4 triệu đồng; Khu vực II giữ nguyên là 800.000 đồng/lần/xe; Khu vực III có mức là 150.000 đồng/lần/xe thay cho quy định hiện hành là mức thu 50.000 đồng/lần/xe.
Đối với xe máy có giá trị trên 15 triệu đồng đến 40 triệu đồng: Mức lệ phí thống nhất là 2 triệu đồng/lần/xe đối với khu vực I thay cho quy định hiện hành là mức thu từ 1-2 triệu đồng; Khu vực II giữ nguyên là 400.000 đồng/lần/xe; Khu vực III có mức là 150.000 đồng/lần/xe thay cho quy định hiện hành là mức thu 50.000 đồng/lần/xe.
Đối với xe máy trị giá từ 15 triệu đồng trở xuống: Mức thu lệ phí tại khu vực I là 1 triệu đồng/lần/ xe thay cho quy định hiện hành là mức thu từ 500.000-1.000.000 đồng; Khu vực II giữ nguyên là 200.000 đồng/lần/xe; Khu vực III có mức là 150.000 đồng/lần/xe thay cho quy định hiện hành là mức thu 50.000 đồng/lần/xe.
Nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối Hà Nội với 4 tỉnh
Ngày 8/2, Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến 2030, tầm nhìn 2045.
Chính phủ giao các địa phương xây dựng lộ trình nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối Thủ đô với Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc.
Ngoài các tuyến đường sắt từ Hà Nội đi bốn tỉnh trên, Chính phủ đồng thời yêu cầu nghiên cứu xây tuyến đường sắt đô thị Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh. Các tuyến metro tại Hà Nội cần sớm hoàn thành.
Trong vùng Đồng bằng sông Hồng, hiện chỉ Hà Nội có đường sắt đô thị. Theo quy hoạch đến 2030, Thủ đô sẽ có 10 tuyến với tổng chiều dài 417km, trong đó đi trên cao 342km, ngầm 75km. Hiện chỉ có tuyến Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành và vận hành thương mại sau 10 năm xây dựng.
Năm tuyến khác đang triển khai ở các giai đoạn. Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dự kiến khai thác đoạn trên cao cuối 2022 nhưng lỡ hẹn, toàn tuyến dự kiến khánh thành năm 2027; tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đang đề xuất điều chỉnh ga tổng mặt bằng ga C9, cạnh Hồ Gươm.
Hai tuyến số 3 ga Hà Nội đến Hoàng Mai và tuyến số 5 Văn Cao - Ngọc Khánh - Hòa Lạc được TP thông qua chủ trương đầu tư. Tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi đang lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật.
Hà Nội cũng đã giao nhiệm vụ cho BQL đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) chuẩn bị các tuyến còn lại gồm: Nam Thăng Long - Nội Bài; Trần Hưng Đạo - Thượng Đình; Cổ Nhuế - Vành Đai 3 - Lĩnh Nam - Bát Tràng - Dương Xá.
Theo nghị quyết của Chính phủ, hệ thống đường sắt vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ được nâng cấp, kết nối thông suốt với tuyến liên vận quốc tế. Tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân sẽ được hoàn thành. Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đoạn Hà Nội - Vinh sẽ được nghiên cứu xây dựng.
Chưa cho phép thanh toán sau với ETC
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, dù hơn 95% phương tiện ô tô đã dán thẻ thu phí không dừng, nhưng hiện công nghệ thu phí không dừng vẫn chưa thể chuyển sang giai đoạn 2, giai đoạn 3 - cho phép chủ xe trả sau và bỏ barrie chắn đường.
Theo chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT, thu phí không dừng có 4 giai đoạn: trong đó khi số phương tiện dán thẻ thu phí không dừng đạt trên 90% có thể chuyển sang giai đoạn 2. Và theo lý giải của cơ quan chức năng, để cho phép trả sau, phải đàm phán lại với các nhà đầu tư BOT, trong khi vướng mắc lớn nhất chính là chưa có hành lang pháp lý để truy thu các trường hợp chủ phương tiện trả sau nhưng cố tình chây ì trong việc thanh toán.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)