Bộ GTVT trả lời về tiến độ các dự án kết nổi cảng hàng không Long Thành
Bộ Giao thông Vận tải vừa có công văn gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai trả lời kiến nghị liên quan đến kết nối giao thông với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Cụ thể, liên quan đến việc đầu tư mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Bộ Giao thông Vận tải cho biết là tuyến cao tốc này đã được quy hoạch với quy mô 10 làn xe.
Trước đó, năm 2016, giai đoạn 1 của dự án đã được khai thác với quy mô 4 làn xe. Tuy nhiên, hiện nay, theo tính toán, phạm vi từ nút giao An Phú (Thành phố Hồ Chí Minh) đến nút giao cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (dài khoảng 26km) đã khai thác vượt so với năng lực thông hành của tuyến, không đáp ứng được nhu cầu vận tải. Như vậy, việc đầu tư mở rộng tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây (từ nút giao An Phú tới nút giao cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu) là rất cần thiết và cấp bách, đặc biệt là khi Cảng hàng không Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đưa vào khai thác cuối năm 2025.
Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị VEC chủ động nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư Dự án, trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các cấp có thẩm quyền theo quy định.
Tại văn bản gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã thông tin về các tuyến đường sắt kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo đó, dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm-Long Thành và đường sắt Biên Hòa-Vũng Tàu được Bộ Giao thông Vận tải giao Ban Quản lý dự án Đường sắt lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ; ngày 23/8/2022 Bộ Giao thông Vận tải đã chủ trì họp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan (bao gồm Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai), theo đó các bên đã thống nhất sau khi có kết quả nghiên cứu, đánh giá toàn diện các dự án, Bộ Giao thông Vận tải sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung thêm phương án giao cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền hoặc cho phép sử dụng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để kêu gọi đầu tư các dự án.
Đường sắt cần 8.000 tỷ đồng để thay đầu máy, toa xe hết niên hạn
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đến 2025 sẽ thiếu trầm trọng đầu máy, toa xe để phục vụ vận tải. Theo đó, ngành đường sắt sẽ thiếu khoảng 60 đầu máy, hơn 500 toa xe. Để đầu tư số này, Tổng công ty tính toán sơ bộ cần đến khoảng 8.000 tỷ đồng và đó mới chỉ là thay thế đầu máy, toa xe hiện nay, tức sử dụng dầu diesel, chứ chưa tính đến đầu máy, toa xe sử dụng nhiên liệu xanh
Cụ thể, đến 1/1/2024 sẽ có 38 đầu máy, 74 toa xe khách, 391 toa xe hàng hết niên hạn; đến 1/1/2025 có 18 đầu máy, 50 toa xe khách và đến 1/1/2026 có 58 đầu máy, 44 toa xe khách và 1.081 toa xe hàng hết niên hạn… Ngay từ năm 2024, dự kiến đã bắt đầu thiếu toa xe phục vụ vận tải và sẽ thiếu trầm trọng trong các năm tiếp theo.
Trước đó, Tổng công ty Đường sắt VN đã có văn bản gửi Bộ GTVT về lộ trình, niên hạn phương tiện theo Kế hoạch Chương trình hành động thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 trong lĩnh vực đường sắt.
Cả nước có 11.500 ca cấp cứu do tai nạn giao thông trong 5 ngày đầu nghỉ Tết
Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia thông tin, trong ngày mùng 3 Tết Nguyên đán Quý Mão, tức 24/1, toàn quốc xảy ra 25 vụ tai nạn giao thông, làm chết 14 người, bị thương 16 người. So với ngày mùng 3 Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 giảm2 vụ, giảm 1 người chết, giảm 3 người bị thương.
Trong đó, riêng lĩnh vực giao thông đường bộ xảy ra 24 vụ, làm chết 13 người và bị thương 16 người. Lĩnh vực giao thông đường sắt xảy ra 1 vụ, làm chết 1 người.
Như vậy, trong 5 ngày đầu nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão (từ 20/1/2023 đến 24/1/2023) toàn quốc xảy ra 107 vụ tai nạn giao thông, làm tử vong 62 người, bị thương 77 người.
So với 5 ngày cùng kỳ Tết Nguyên đán năm 2022 giảm 7 vụ, giảm 4 người chết, tăng 13 người bị thương.
Thành Đô (tổng hợp)