Đánh mất bọc 100.000 NDT
Chủ nhân của bọc tiền bị thất lạc tên là Đỗ Văn (Chiết Giang, Trung Quốc). Anh là doanh nhân với điều kiện tài chính tương tối tốt. Sau khi bố mẹ qua đời, người đàn ông này cùng vợ tiếp quản xưởng sản xuất đồ nội thất của gia đình đã có hơn 20 năm kinh doanh.
Vào hồi tháng 1 vừa qua, sau một năm tổng kết, doanh số của xưởng có nhiều tín hiệu tốt. Anh bàn bạc với vợ sẽ trích tiền để thưởng cho anh em trong xưởng. Tất nhiên, bà xã đồng ý với đề xuất này.
Ngay hôm sau, 2 người đến ngân hàng để rút số tiền 100.000 NDT (gần 350 triệu đồng). Cũng vào ngày hôm đó, vợ chồng Đỗ Văn đi gặp 1 vài người bạn kết hợp hẹn một số đối tác để bàn công việc làm ăn. Cho đến cuối ngày, anh đinh ninh vợ mình đã giữ chiếc túi đựng toàn bộ số tiền thưởng của nhân viên. Song không ngờ, chị vợ lại khẳng định chính Đỗ Văn mới là người chịu trách nhiệm việc đó. Một bọc tiền bên trong đó có kèm một chiếc điện thoại đã bị thất lạc không rõ lý do.
Lục lại trí nhớ, 2 người vội liên hệ cho tất cả những quán ăn đã đến để nhờ nhân viên hỗ trợ. Tuy nhiên, không địa chỉ nào tìm thấy chiếc túi theo mô tả của vợ chồng Đỗ Văn. Hoàn toàn không nhớ nổi đã làm thất lạc chiếc túi ở đâu, anh chị hy vọng có thể gặp được người tốt nhằm lấy lại chiếc điện thoại là thứ quan trọng. Họ sẵn sàng hậu tạ người nhặt được chiếc túi toàn số tiền bên trong đó. Bởi chiếc điện thoại đó chứa rất nhiều dữ liệu quan trọng liên quan đến công việc làm ăn.
Cả tối ngày hôm đó, vợ chồng Đỗ Văn dùng hết số điện thoại này đến số điện thoại khác để gọi vào chiếc điện thoại được đặt bên trong bọc tiền. Tất cả hy vọng chuông điện thoại reo lên và người giữ bọc tiền này sẽ nhấc máy để cho họ chuộc lại. Tuy nhiên, anh chị gọi đến hơn 20 cuộc điện thoại với đủ các số điện thoại nhưng không có ai nhấc máy.
Từ chối nhận tiền hậu tả, chỉ xin 1 điều
Không từ bỏ hy vọng, sáng ngày hôm sau, Đỗ Văn tiếp tục gọi điện thoại. Điều không ngờ, đầu dây bên kia có người nhấc máy. Đó chính là bà Hường - người đã nhặt được chiếc túi này.
Bà cho biết tối hôm trước trong lúc đang đi nhặt rác bất ngờ nhìn thấy một chiếc túi màu đen được đặt ngay trên nắp thùng. Khi vừa nhấc chiếc túi này lên, bà bất ngờ thấy nó khá nặng. Vì tò mò xem bên trong có gì, bà quyết định mở ra xem. Điều không ngờ là bên trong có rất nhiều tiền và một chiếc điện thoại di động. Cụ bà này nghĩ rằng người mất chắc chắn sẽ rất vội, nhất định sẽ gọi vào số điện thoại để liên lạc nhằm lấy lại chiếc túi này. Vì bận công việc nên bà cũng chỉ kịp cho chiếc túi vào trong chiếc giỏ rồi để đấy.
Cho đến khuya khi đã về nhà, bà thắc mắc về việc tại sao không có ai liên hệ để lấy lại chiếc túi này. Bất giác, bà kiểm tra chiếc điện thoại thì không ngờ nó đã hết pin. Ngay khi đó, bà quyết định sạc pin với hy vọng sẽ có cuộc gọi đến từ chủ nhân của chiếc túi. Đúng hôm sau, Đỗ Văn đã liên lạc lại và bà Hường đã kịp bắt máy.
Sau khi hẹn trả chiếc túi, vợ chồng Đỗ Văn đã cảm ơn bà cụ rất nhiều. Đồng thời, anh chị cũng hỏi thăm về hoàn cảnh của gia đình bà. Thấy đây là người nghèo khó nhưng lại vô cùng tốt bụng, anh chị không ngần ngại hậu tạ cụ bà bằng toàn bộ 100.000 NDT ở bên trong chiếc túi.
Tuy nhiên, bà Hường quyết định từ chối nhận khoản tiền này. “Tôi không cần tiền. Tôi chỉ mong anh có thể hỗ trợ 1 việc”, bà cụ nói.
“Chỉ cần nói cho cháu biết, nếu có thể làm được cháu sẽ giúp bà”, Đỗ Văn nhanh chóng đáp lời.
Từ đây, bà Hường bắt đầu kể về hoàn cảnh của mình. Cụ bà cho biết đã nhận nuôi một cậu bé bị bỏ lạc ở gầm cầu. Để cậu bé được ăn học không thua kém bạn bè đồng trang lứa, bà Hường đã phải vất vả ngược xuôi suốt một thời gian dài. May mắn, cậu rất chăm học nên có thành tích khá tốt. Sau khi hoàn thành 12 năm học, người con nuôi này cũng lên thành phố học đại học.
Trong một lần đi làm thêm về khuya, con trai bà Hường bị tai nạn, mất đi đôi chân, buộc phải di chuyển bằng xe lăn sau đó. Vượt lên nghịch cảnh, anh vẫn cố gắng hoàn thành việc học và đi xin việc. Tuy nhiên, anh không được nơi nào nhận việc.
“Nếu nhà xưởng của anh còn thiếu nhân viên hoặc có công việc nhẹ nhàng nào phù hợp có thể cho con trai tôi làm được không?”, bà Hường nói.
Nghe câu chuyện và hiểu được hoàn cảnh người phụ nữ, Đỗ Văn không cần hỏi ý kiến vợ mà đồng ý cho con trai bà Hường vào xưởng làm việc luôn. Biết nam thanh niên trước đây đã học về kế toán, anh cũng sắp xếp các công việc liên quan đến tài chính của xưởng cho người này.
Trước khi ra về, Đỗ Văn vẫn không quên gửi tặng cụ bà này một chút tiền. Song bà Hường nhất quyết từ chối.
Đinh Anh