Jennifer Dulski, người đứng đầu Rising Team, một công ty chuyên phát triển đội ngũ, đã có một tiêu chí tuyển dụng rất riêng. Bà không chỉ quan tâm đến những thành tích học tập hay kinh nghiệm làm việc được ghi rõ trong hồ sơ, mà còn đặc biệt chú trọng đến những phẩm chất tiềm ẩn của ứng viên. Đối với bà, một người nhân viên lý tưởng không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn phải là người linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ dám làm và luôn sẵn sàng đối mặt với những thử thách mới.
Để đảm bảo ứng viên sở hữu những phẩm chất này, bà không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu về thành công của họ trong sự nghiệp. “Tôi luôn bắt đầu bằng cách yêu cầu ứng viên kể về cuộc sống của họ trước khi trải qua những vị trí được đề cập trong CV,” bà chia sẻ.
Dulski tin rằng những trải nghiệm sống của một người có thể tiết lộ rất nhiều điều về tính cách và năng lực của họ. Vì vậy, trong các cuộc phỏng vấn, bà thường dành thời gian để lắng nghe những câu chuyện của ứng viên, về những thành công và thất bại mà họ đã trải qua.
Vì sao lại có câu hỏi này?
Jennifer Dulski cho rằng kinh nghiệm làm việc không phải là tất cả. Bà quan niệm rằng những trải nghiệm sống, những sở thích và đam mê cá nhân mới thực sự phản ánh con người thật của một ứng viên. Ví dụ, một người đã từng tự mình bán nước chanh lúc nhỏ thường có tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp và khả năng giao tiếp tốt. Hay một người thích tháo lắp đồ chơi để tìm hiểu cách hoạt động của những loại đồ vật này có thể chính là một kỹ sư với khả năng sáng tạo vô cùng tốt.
“Những người có tham vọng, sáng tạo, linh hoạt và dám đương đầu với thách thức, tôi có thể nhận thấy những nét tính cách đó trong cuộc sống của họ từ khi còn nhỏ.” Niềm đam mê và những nỗ lực hết sức tự nhiên đó là dấu hiệu cho thấy ứng viên có thể mang tinh thần tương tự vào công việc.
‘Hãy kể cho tôi nghe về cuộc sống không phải trong CV của bạn’
“Có những người tự nhiên kể về đam mê và thành công từ thời thơ ấu ngay cả khi chưa được hỏi. Đặc biệt, những người bán hàng giỏi thường làm vậy”, Dulski chia sẻ.
Đối với những ứng viên không chủ động, bà sẽ đưa ra một gợi ý đơn giản: “Hãy kể cho tôi nghe về cuộc sống không phải trong CV của bạn”.
Ai ngờ rằng một câu hỏi đơn giản như trên lại có thể mang đến những câu trả lời vô cùng thú vị và bất ngờ. Chính những câu chuyện đời thường, những kỷ niệm tuổi thơ, những sở thích cá nhân... đã giúp Jennifer Dulski khám phá ra những tài năng tiềm ẩn của ứng viên và đưa ra những quyết định tuyển dụng sáng suốt.
Ảnh minh họa. Andrew Emery, cậu bé 9 tuổi ở Nam Carolina, Mỹ, trong vòng 2 tiếng đồng hồ bán nước chanh cậu đã kiếm được gần 6.000 USD để hỗ trợ em trai mình đang chữa bệnh.
Trong thời đại mà các kỹ năng mềm ngày càng được coi trọng, cách tiếp cận của Jennifer Dulski đã chứng minh rằng những phẩm chất như sự sáng tạo, khả năng thích nghi và tinh thần hợp tác không thể đo lường chỉ qua các trải nghiệm được viết trong CV. Việc lắng nghe câu chuyện cá nhân của ứng viên là một xu hướng đang ngày càng phổ biến trong các doanh nghiệp hiện đại - điều này không chỉ giúp các nhà tuyển dụng tìm ra những ứng viên phù hợp mà còn tạo ra một môi trường làm việc cởi mở, nơi mọi người được là chính mình.
Lưu Ly (Theo CNBC)