Lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 mang ý nghĩa, tầm vóc lớn
Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam lần thứ 2, với chủ đề “Hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển” dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 19 đến 22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội.
Sự kiện do Bộ Quốc phòng chủ trì, nhằm chia sẻ những thành tựu và kinh nghiệm trong nghiên cứu, sản xuất, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật, đồng thời thúc đẩy hợp tác trong ngành công nghiệp quốc phòng giữa Việt Nam và các quốc gia tham gia triển lãm.
Đáng chú ý, lễ khai mạc diễn ra vào sáng 19/12/2024 sẽ có màn trình diễn bay chào mừng của không quân Việt Nam. Khoảng 2.200 cán bộ, chiến sĩ đặc công sẽ biểu diễn võ thuật, trong khi bộ đội biên phòng sẽ kết hợp 80 quân khuyển và 80 huấn luyện viên trong phần trình diễn ấn tượng.
Khu vực triển lãm dự kiến rộng hơn 100.000m², gồm 18 khu vực, ngoài các khu trưng bày còn có khu hội thảo, phòng họp và khu vực ẩm thực. Điểm nhấn của triển lãm là khu vực giới thiệu thành tựu xây dựng lực lượng vũ trang và nền Quốc phòng toàn dân, qua đó tôn vinh văn hóa, đất nước, con người và Quân đội nhân dân Việt Nam.
Khu vực trưng bày ngoài trời sẽ giới thiệu các hệ thống vũ khí trong biên chế của QĐND Việt Nam, cũng như trang thiết bị kỹ thuật của các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng. Triển lãm dự kiến sẽ trưng bày 69 loại vũ khí, khí tài của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đến ngày 8/11, hơn 140 công ty từ 27 quốc gia đã xác nhận tham gia trưng bày sản phẩm, bao gồm Nga, Anh, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Đức, Ấn Độ, Iran, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Israel, Campuchia… So với triển lãm năm 2022, số gian hàng năm nay đã tăng thêm 239 gian, vượt chỉ tiêu đặt ra.
Ban tổ chức cho biết đã có 3 quốc gia đăng ký trưng bày tại khu vực ngoài trời gồm Mỹ, Nga và Ý. Ngoài ra, 40 đoàn khách quốc tế, trong đó có các quan chức cấp bộ trưởng, tổng tham mưu trưởng, tư lệnh lực lượng quốc phòng và thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cũng đã xác nhận sẽ tham dự.
Triển lãm bao gồm các lĩnh vực:
Hệ thống phòng không - không quân: Máy bay tiêm kích, trực thăng, máy bay không người lái, tổ hợp pháo và tên lửa phòng không.
Hệ thống hải quân: Tàu ngầm, tàu chiến, tàu không người lái, tàu bổ trợ, thiết bị trinh sát ngầm, ngư lôi, thủy lôi, tên lửa đất đối hải và tên lửa hải đối hải.
Hệ thống lục quân: Vũ khí bộ binh, vũ khí hỏa lực, pháo tự hành, xe tăng, xe thiết giáp.
Hệ thống an ninh: Công nghệ sinh trắc học, thiết bị chống khủng bố, hệ thống an ninh nhà nước, hệ thống chống tội phạm mạng và vũ khí sát thương.
Có 11 bộ, ngành, địa phương đăng ký trưng bày các sản phẩm kinh tế và lưỡng dụng.
Rà soát kỹ các phương án chuẩn bị tổ chức Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024
Trước đó, ngày 11/11/2024, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Quốc phòng đến kiểm tra thực địa và nghe báo cáo về quá trình chuẩn bị cho Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội.
Theo báo cáo từ Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng - Cơ quan Thường trực của Ban Tổ chức, trong thời gian qua, các Tiểu ban Tổ chức Triển lãm đã chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã diễn ra đúng theo tiến độ và kế hoạch phê duyệt, một số nhiệm vụ còn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu đề ra.
Đánh giá cao ý nghĩa và quy mô của Triển lãm lần này, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến ghi nhận sự quyết tâm, nỗ lực của Ban Tổ chức, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị trong việc phối hợp thực hiện công tác chuẩn bị một cách đồng bộ và hiệu quả.
Với khối lượng công việc lớn còn cần thực hiện, trong khi thời gian không còn nhiều và yêu cầu cao, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục giữ vững quyết tâm, nỗ lực hoàn thành mọi công tác chuẩn bị cho Triển lãm.
Để đảm bảo Triển lãm diễn ra đúng kế hoạch, đáp ứng đầy đủ mục tiêu và yêu cầu đề ra, Thượng tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các phương án, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang trí tổng thể cho Triển lãm và các hạng mục còn lại, đảm bảo chất lượng và tiến độ; đồng thời khẩn trương hoàn thiện chương trình lễ khai mạc, các chương trình trong suốt thời gian Triển lãm, chương trình hội thảo và kịch bản điều hành cho Ban Tổ chức và từng Tiểu ban một cách chi tiết, cụ thể.
Ban Tổ chức cùng các Tiểu ban cần chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức lễ tân, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, và đảm bảo an ninh, an toàn trong suốt thời gian diễn ra triển lãm.
Thái Hà (Tổng hợp)