Theo thống kê từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, tính đến hết tháng 8, toàn quốc đã có hơn 3,8 triệu phương tiện thực hiện dán thẻ định danh ETC (đạt 84% số lượng xe đang lưu thông). Như vậy, con số này đã vượt qua được chỉ tiêu của Thủ tướng đề ra về số lượng phương tiện dán thẻ trong năm 2022 (80-90%).
Trong tháng 8, tổng lưu lượng sử dụng thu phí không dừng thành công tại các trạm thu phí đã lên đến hơn 28 triệu lượt, đạt tỷ lệ khoảng 83% so với tổng lượng phương tiện di chuyển qua các trạm thu phí của cả nước.
Tính đến nay, cả nước đã có 141 trạm thu phí đáp ứng đủ điều kiện lắp đặt thiết bị thu phí không dừng.
Cụ thể, cả nước có 66 trạm với 382 làn thu phí được Bộ Giao thông Vận tải quản lý, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý 29 trạm với 117 làn thu phí. Các địa phương quản lý 46 trạm còn lại với 302 làn thu phí.
Tính tới đầu tháng 8, VETC cho biết đã dán thẻ và tạo tài khoản giao thông cho khoảng 2 triệu phương tiện. Cùng thời điểm, doanh nghiệp còn lại tham gia cung ứng dịch vụ thu phí không dừng là Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) cũng ghi nhận lượng tài khoản và thẻ dán ở mức 1,6 triệu.
Đối chiếu 2 số liệu, cả nước đã có thêm 200.000 phương tiện dán thẻ ETC trong tháng 8. Tổng số tiền thu được từ việc dán thẻ ETC trong tháng 8 vào khoảng 24 tỷ đồng (120.000 đồng/thẻ)
Từ 1/8 năm nay tất cả các trạm thu phí được mở trên tuyến quốc lộ đều đã được lắp đặt và đưa vào hoạt động thu phí không dừng theo phương án chỉ duy trì một làn thu phí hỗn hợp.
Vào các dịp lễ lớn như lễ Quốc khánh, Tết Nguyên đán, lượng phương tiện đổ về các trạm thu phí tăng cao dễ dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông. Song, theo báo cáo, sau khi triển khai thu phí không dừng trên toàn quốc, tình trạng ùn tắc giao thông đã giảm mạnh vào dịp lễ Quốc khánh 2/9.
Tiến Đạt