Phái đoàn Ukraine dự kiến sẽ gặp các đối tác Hàn Quốc "sớm nhất là vào 27/11", tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay. Danh sách mong muốn của Kiev bao gồm tên lửa phòng không và pháo, nguồn tin ẩn danh tiết lộ.
Các tên lửa phòng không và chống tăng tiên tiến của Hàn Quốc, cùng với việc sản xuất đạn pháo quy mô lớn, khiến nước này trở thành nhà cung cấp tiềm năng cho Ukraine. Tuy nhiên, các nhà phân tích dự đoán Seoul sẽ có lập trường thận trọng về lời kêu gọi này sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump và những cảnh báo liên tục của Moscow.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc từ chối bình luận về thông tin trên.
Nghiên cứu viên tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc Doo Jin-ho lưu ý rằng Seoul sẽ thận trọng trong vấn đề này. "Hàn Quốc sẽ lắng nghe yêu cầu của Ukraine nhưng khó có thể đưa ra cam kết rõ ràng về việc cung cấp vũ khí," ông Doo nói.
"Chính phủ dự kiến sẽ áp dụng cách tiếp cận chờ đợi và quan sát, theo dõi sự hợp tác quân sự của Nga với Triều Tiên trước khi quyết định các bước tiếp theo."
Doo nói thêm rằng các yếu tố như cảnh báo từ Moscow, sự phản đối từ Quốc hội Hàn Quốc và tác động chính trị của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump là lý do khiến Seoul do dự.
Hiện tại, Hàn Quốc đã hỗ trợ cho Ukraine mặt nạ phòng độc và khẩu phần ăn dã chiến, tuân thủ chính sách không cung cấp vũ khí sát thương cho các quốc gia đang có chiến tranh.
Tuy nhiên, Tổng thống Yoon Suk-yeol vào tháng trước đã tuyên bố Seoul có thể cân nhắc cung cấp vũ khí, bắt đầu bằng các vũ khí phòng thủ và tăng dần lên vũ khí sát thương, tùy thuộc vào mức độ hợp tác quân sự giữa Nga và Triều Tiên.
Triều Tiên đã cử khoảng 10.000 binh lính đến Nga và gần đây lực lượng này đã bắt đầu tham gia giao tranh với quân đội Ukraine.
Dù vậy, cuộc bầu cử ở Mỹ có thể đã ảnh hưởng đến lập trường của Hàn Quốc. Các nhà quan sát cho rằng chiến thắng của ông Trump đã khiến Tổng thống Hàn Quốc cân nhắc lại lập trường trước đây.
Họ cũng lưu ý rằng có sự phản đối mạnh mẽ từ các phe đối lập trong Quốc hội Hàn Quốc, coi việc cung cấp vũ khí là tham gia vào chiến tranh và làm phức tạp thêm khả năng hành động của chính phủ.
"Có vẻ như có sự thay đổi trong quan điểm của chính phủ sau cuộc bầu cử Mỹ", nghiên cứu viên Doo nói, ám chỉ sự điều chỉnh thận trọng về lập trường của Seoul.
Moscow cũng đã cảnh báo Hàn Quốc không được cung cấp vũ khí cho Ukraine, nói rằng động thái này sẽ "phá hủy hoàn toàn" quan hệ song phương.
"Chúng tôi hy vọng Seoul sẽ ưu tiên các lợi ích quốc gia lâu dài hơn là những cân nhắc cơ hội ngắn hạn do bên ngoài thúc đẩy", Thứ trưởng Ngoại giao Andrey Rudenko cho biết hôm 24/11.
Lee Sung-won, nhà nghiên cứu tại Viện Sejong (Hàn Quốc), cũng hạ thấp khả năng Seoul đáp ứng yêu cầu của Kiev. "Hàn Quốc nên cân nhắc việc điều chỉnh chính sách của mình theo chính quyền Trump sắp tới", ông nói.
Minh Khôi