Tiếp tục đề nghị báo cáo chi phí nhập xăng dầu
Bộ Tài chính vừa có công văn đề nghị Bộ Công Thương, các thương nhân đầu mối báo cáo các chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam, thời hạn báo cáo trước 10 giờ ngày mai, 15/11.
Bộ Tài chính yêu cầu báo cáo gồm báo cáo chi tiết chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, chi phí premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng (các khoản chi phí vận chuyển, bảo hiểm, hao hụt, giám định… không bao gồm thuế VAT). Thời kỳ thu thập số liệu báo cáo từ 21/10 đến 14/11/2022.
Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu gửi các báo cáo nêu trên, có so sánh, phân tích đánh giá so với kỳ báo cáo trước (từ 1/6 đến 20/10), đánh giá cụ thể về tính bất thường và tác động đến hoạt động kinh doanh của đơn vị, kiến nghị, đề xuất về Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), đồng thời gửi về Bộ Công Thương trước 10 giờ ngày 15/11.
Trước đó, ngày 8/11, căn cứ vào số liệu về chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam do 28 doanh nghiệp cung cấp, Bộ Tài chính đã điều chỉnh tăng một số mặt hàng xăng dầu. Cụ thể đối với xăng E5 RON92 đã tăng 290 đồng/lít lên 640 đồng/lít và xăng RON95 tăng thêm 560 đồng/lít lên mức 1.280 đồng/lít. Qua theo dõi của Bộ Tài chính, chi phí định mức này đã cao hơn chi phí nhập khẩu thực tế của các lô xăng dầu gần đây.
Taxi bay không người lái cất cánh thử thành công ở Pháp
Theo Reuters, mẫu taxi bay điện thử nghiệm Volocopter, trang bị nhiều rotor đã cất cánh lần đầu tiên gần Paris hôm 10/11 (giờ địa phương) trước khi chuẩn bị bay thương mại từ năm 2024.
Máy bay thử nghiệm Volocopter có hình dáng giống một chiếc drone lớn với 8 rotor, cất cánh với một hành khách trong cabin từ sân bay Pontoise-Cormeilles ở ngoại ô thành phố Paris và bay vòng tròn trong thời gian ngắn khi một máy bay khác nằm gần đó. Hiện nay, Volocopter có tốc độ tối đa 90 km/h và tầm hoạt động 20 km.
Volocopter hoạt động dựa trên công nghệ drone và sử dụng robot để thay pin trước khi tiếp tục hành trình. Công ty Volocopter hướng tới mục tiêu vận chuyển 100.000 hành khách trên khắp thế giới mỗi giờ trong vòng 10 năm tới. Phương tiện không thải khí và gây ồn.
Hà Nội phản bác việc buýt nhanh BRT “không đạt kỳ vọng”
Tại báo cáo trả lời kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp thứ 7 của HĐND thành phố (tháng 7/2022), UBND Hà Nội giải trình trước ý kiến của cử tri về dự án tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa.
Theo đó, cử tri quận Cầu Giấy cho rằng, sau 5 năm triển khai, dự án này không đạt được kỳ vọng về giảm tải ùn tắc giao thông tại các tuyến đường.
Trả lời về vấn đề này, UBND Hà Nội cho biết đã giao cho Viện Kinh tế xã hội Hà Nội khảo sát, đánh giá tuyến buýt nhanh BRT sau khi đi vào khai thác. Theo đánh giá về kết quả hoạt động tuyến BRT sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, thành phố cho rằng loại hình này đã mang lại kết quả tích cực, được người dân tin tưởng sử dụng và đánh giá tốt.
Trong phần dẫn số liệu, thành phố không đưa ra so sánh giữa sản lượng hành khách, doanh thu thực tế đối với mục tiêu ban đầu. Dù vậy, so sánh tỷ lệ trợ giá qua các năm, có thể thấy BRT càng chạy càng lỗ khi tỷ lệ trợ giá vào năm 2018 là 26,6% nhưng đã tăng lên tới 65,2% vào năm 2021.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)