Đề xuất thu phí cao tốc đầu tư bằng ngân sách, lo ngại phí chồng phí
Trong tờ trình dự án Luật Đường bộ vừa được Chính phủ gửi Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất thu phí sử dụng cao tốc do Nhà nước đầu tư theo số km phương tiện ô tô chạy trên các tuyến đường này.
Đến nay cả nước đang có 6 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, vận hành, gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, TP HCM- Trung Lương.
Từ nay đến cuối năm sẽ có thêm 3 dự án đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam được thông xe, đưa vào sử dụng, bao gồm: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, cầu Mỹ Thuận 2.
Như vậy với tổng cộng 9 dự án kể trên, sẽ nâng tổng số km cao tốc được đầu tư bằng ngân sách nhà nước được đưa vào sử dụng giai đoạn 2021 - 2023 lên hơn 650 km.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - cơ quan thường trực soạn thảo dự án Luật Đường bộ cho biết, tính đến năm 2023 cả nước có trên 1.700 km cao tốc, trong số này có hơn 50% được đầu tư bằng ngân sách nhà nước. Do vậy nếu thu phí sử dụng số km cao tốc này thì ngân sách nhà nước sẽ có nguồn vốn đầu tư cho các dự án cao tốc khác, giúp đảm bảo được mục tiêu Chính phủ, Quốc hội đặt ra là đến năm 2030 cả nước sẽ có 5.000 km cao tốc, trong đó mục tiêu trước mắt đến năm 2025 là 3.000 km cao tốc. Kinh phí để đầu tư cho mục tiêu này là khoảng 800.000 tỷ đồng.
Trao đổi với báo Tiền Phong, TS Nguyễn Văn Thành - Đại học Giao thông vận tải - cho biết, chủ trương và mục tiêu đầu tư cao tốc bằng ngân sách nhà nước là tạo thuận lợi trong lưu thông, đi lại, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Nay các bộ, ngành có thẩm quyền lại tham mưu Chính phủ đề xuất thu phí cao tốc đầu tư bằng ngân sách liệu có đi ngược chủ trương, mục tiêu này? Hơn nữa, hiện nay người dân sử dụng ô tô đang phải đóng phí đường bộ hằng tháng (qua đăng kiểm xe), để thực hiện việc này Nhà nước đã bỏ hết các trạm thu phí trên các tuyến đường đầu tư bằng ngân sách, nay khôi phục lại thì có phù hợp?
Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cũng cho biết, thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư sẽ dẫn đến “phí chồng phí”, người dân sử dụng ô tô bị thu phí hai lần (phí đường bộ và phí sử dụng cao tốc do Nhà nước đầu tư).
Người lái xe đưa đón học sinh phải có 2 năm kinh nghiệm
Theo tờ trình của Bộ GTVT về dự thảo Luật đường bộ, quy định về hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng xe ô tô đang có nhiều quy định mới đáng chú ý.
Dự thảo Luật tập trung vào các quy định về phương tiện và người lái xe với những đặc thù như: xe ô tô đưa đón học sinh phải đáp ứng các yêu cầu: đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn riêng để nhận diện; xe ô tô sử dụng để đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh, kính xe đảm bảo có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài.
Đặc biệt, “lái xe ô tô đưa đón học sinh phải có 2 năm kinh nghiệm lái xe kinh doanh vận tải hành khách. Đặc biệt, dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm của cơ sở giáo dục, đào tạo trong việc xây dựng, tập huấn cho cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn khi đưa đón học sinh”- tờ trình của Bộ GTVT nêu rõ.
Ngoài ra dự thảo Luật quy định cơ sở giáo dục, đào tạo khi tổ chức hoạt động đưa, đón học sinh chịu trách nhiệm về việc đón, trả học sinh của đơn vị mình đảm bảo an toàn giao thông.
Đề xuất niên hạn xe khách không quá 20 năm
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa gửi dự thảo Luật Đường bộ để xin ý kiến các bộ ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan, trong đó đề xuất luật hóa niên hạn sử dụng của xe cơ giới.
Hiện Nghị định 95/2009 chỉ quy định chung niên hạn xe chở hàng và niên hạn xe chở người.
Tuy nhiên, tại dự thảo Luật Đường bộ, Bộ GTVT đề xuất luật hóa và quy định rõ hơn về đối tượng. Trong đó, nêu rõ 2 nhóm phải quy định niên hạn gồm: Xe ô tô chở hàng (xe ô tô tải) và ô tô kinh doanh vận tải chở từ 10 người trở lên. Như vậy, ô tô chở người đến 9 chỗ (xe gia đình) không có niên hạn sử dụng.
Theo đó, dự thảo đề xuất niên hạn sử dụng đối với xe ô tô chở hàng (xe ô tô tải) không quá 25 năm và xe ô tô chở từ 10 người trở lên (kể cả người lái) - xe khách, không quá 20 năm.
Cành khách bị chậm, hủy chuyến bay được bồi thường từ 1/9 ra sao
Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 19 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của các Thông tư quy định liên quan đến vận tải hàng không (có hiệu lực thi hành từ 1/9/2023), đặc biệt lưu ý quy định Nghĩa vụ tối thiểu của người vận chuyển (hãng hàng không khai thác thực tế các chuyến bay) đối với hành khách đã được xác nhận chỗ và có vé trên chuyến bay trong trường hợp vận chuyển bị chậm, chuyến bay bị hủy, khởi hành sớm, hành khách không được vận chuyển do lỗi của người vận chuyển.
Theo đó, trong trường hợp không phải do lỗi của hành khách mà chuyến bay bị chậm (là chuyến bay có thời gian khởi hành thực tế muộn trên 15 phút so với thời gian khởi hành theo kế hoạch trong lịch bay căn cứ), người vận chuyển có nghĩa vụ cung cấp, cập nhật đầy đủ thông tin cho hành khách theo phương thức thích hợp; xin lỗi hành khách; bảo đảm việc ăn, nghỉ, đi lại và chịu các chi phí khác có liên quan trực tiếp phù hợp với thời gian chờ đợi tại cảng hàng không được quy định trong Điều lệ vận chuyển và phải đảm bảo chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Trong trường hợp chuyến bay bị chậm do lỗi của người vận chuyển, ngoài các nghĩa vụ như đã nhắc ở trên, người vận chuyển có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ khác đối với hành khách như sau:
Đối với chuyến bay chậm từ 2 giờ trở lên: trong phạm vi cung cấp dịch vụ của người vận chuyển, chuyển đổi hành trình phù hợp cho hành khách hoặc chuyển sang chuyến bay khác để hành khách tới được điểm cuối của hành trình, miễn trừ điều kiện hạn chế về chuyển đổi hành trình hoặc chuyển đổi chuyến bay và phụ thu liên quan (nếu có) cho hành khách.
Đối với chuyến bay chậm từ 5 giờ trở lên: trường hợp hành khách không yêu cầu người vận chuyển thực hiện nghĩa vụ chuyển đổi hành trình phù hợp cho hành khách hoặc chuyển sang chuyến bay khác để hành khách tới được điểm cuối của hành trình mà yêu cầu hoàn trả tiền vé, người vận chuyển hoàn trả toàn bộ tiền vé hoặc hoàn trả tiền phần vé chưa sử dụng theo sự lựa chọn của hành khách tại cảng hàng không hoặc tại các văn phòng đại diện, chi nhánh hoặc đại lý bán vé do hãng hàng không chỉ định.
Đối với chuyến bay chậm kéo dài: ngoài những nghĩa vụ quy định đối với chuyến bay bị chậm từ 2 giờ hoặc 5 giờ trở lên, khi hành khách có yêu cầu, người vận chuyển phải thực hiện bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách đã được xác nhận chỗ và có vé trên chuyến bay theo quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Đối với huyến bay bị hủy (được định nghĩa là việc không thực hiện một chuyến bay mà lịch bay để đặt chỗ, bán vé của chuyến bay này đã được công bố trên hệ thống bán vé đặt chỗ (CRS) của người vận chuyển trong vòng 24 giờ trước thời gian khởi hành dự kiến), trường hợp hành khách không được vận chuyển do lỗi của người vận chuyển và trường hợp chuyến bay bị hủy mà không được người vận chuyển thông báo trước cho hành khách, ngoài nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin cho hành khách, xin lỗi hành khách, bảo đảm việc ăn, nghỉ, đi lại…, người vận chuyển phải thực hiện các nghĩa vụ đối với hành khách như sau:
Bồi thường ứng trước không hoàn lại cho hành khách đã được xác nhận chỗ và có vé trên chuyến bay theo quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Trong phạm vi cung cấp dịch vụ của người vận chuyển, chuyển đổi hành trình phù hợp cho hành khách hoặc chuyển sang chuyến bay khác để hành khách tới được điểm cuối của hành trình, miễn trừ điều kiện hạn chế về chuyển đổi hành trình hoặc chuyển đổi chuyến bay và phụ thu liên quan (nếu có) cho hành khách.
Trường hợp hành khách từ chối chuyển đổi hành trình phù hợp cho hành khách hoặc chuyển sang chuyến bay khác…, thì người vận chuyển hoàn trả toàn bộ tiền vé hoặc hoàn trả tiền phần vé chưa sử dụng theo sự lựa chọn của hành khách tại cảng hàng không hoặc tại các văn phòng đại diện, chi nhánh, đại lý bán vé do hãng hàng không chỉ định.
Trường hợp hành khách từ chối các lựa chọn như đã nhắc ở trên, người vận chuyển có thể thực hiện nghĩa vụ khác theo thoả thuận với hành khách.
Thông tư 19 cũng có quy định đối với trường hợp chuyến bay khởi hành sớm (là chuyến bay có thời gian khởi hành thực tế sớm hơn 15 phút so với thời gian khởi hành theo kế hoạch trong lịch bay căn cứ). Theo đó, trường hợp do lỗi của người vận chuyển, hành khách đã được xác nhận chỗ nhưng không được vận chuyển và không nhận được thông báo về việc thay đổi thời gian khởi hành sớm hoặc không đồng ý với việc thay đổi thời gian khởi hành sớm, người vận chuyển có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ như quy định đối với chuyến bay bị hủy.
Anh Nguyễn (tổng hợp)