Theo Điều 34, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thì hành vi đua xe trái phép, cổ vũ đua xe trái phép sẽ bị xử lý cụ thể:
Khoản 1: Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép;
b) Đua xe đạp, đua xe máy, đua xe xích lô, đua xe súc vật kéo, cưỡi súc vật chạy đua trái phép trên đường giao thông
Khoản 2: Phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép.
Khoản 3: Phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với người đua ô tô trái phép;
Khoản 4: Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau:
a) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm b, Khoản 1 Điều này bị tịch thu phương tiện (trừ súc vật kéo, cưỡi);
b) Thực hiện hành vi quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấp phép lái xe từ 3 đến 5 tháng và tịch thu phương tiện.
Đua xe trái phép đặc biệt nguy hiểm đối với cộng đồng |
Ngoài ra, hành vi đua xe trái phép, tổ chức đua xe trái phép nếu gây thiệt hại cho sức khỏe, tài sản, tính mạng của người khác hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, theo Điều 207, Bộ luật Hình sự 1999, người tổ chức đua xe, tham gia đua xe trái phép có thể bị phạt đến cao nhất là 20 năm tù giam nếu phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và có thể bị phạt tiền đến 30 triệu đồng.
Như vậy, việc xử phạt người tham gia đua xe, tổ chức đua xe trái phép được pháp luật quy định rất chặt chẽ, nghiêm minh, mức xử lý cao nhất lên tới 20 năm tù giam. Có thực hiện như vậy mới đảm bảo tính răn đe, ngăn chặn hành vi này ảnh hưởng nguy hiểm đến xã hội.
LG Anh Nguyễn