Cống hiến trọn đời cho nền giáo dục Việt Nam, được biết tới với tên gọi "nữ giáo sư Toán học đầu tiên của Việt Nam", bà Hoàng Xuân Sính (sinh năm 1933) là GS.TSKH, Nhà giáo nhân dân nổi tiếng.
Nhắc đến bà Sính, người ta không chỉ trầm trồ kính phục bởi tài năng, tầm nhìn của bà, mà còn ngưỡng mộ trước một gia đình trí thức, có tới 6 thế hệ tài hoa đầy mình.
Với người dân sống ở Hà Nội, nhất là thường xuyên di chuyển ở địa bàn phường Dịch Vọng, Yên Hoà thì cái tên Hoàng Quán Chi rất đỗi quen thuộc. Đó là con phố kéo dài từ ngã tư giao phố Thọ Tháp, đi qua Công viên Cầu Giấy, trường Mầm non VietKids, Trụ sở Báo Lao động, Tập đoàn Viettel, tòa nhà PVI, Viện huyết học truyền máu TƯ, Thanh tra Chính phủ…
Ít ai biết rằng, danh nhân ấy chính là cụ tổ của GS.TSKH Hoàng Xuân Sính. Cụ Hoàng Quán Chi là người làng Cót (tên nôm của hai làng: Thượng và Hạ Yên Quyết, hữu ngạn sông Tô Lịch, thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy).
Cụ Hoàng Quán Chi đỗ Thái Học Sinh, khoa thi năm Quý Dậu, đời vua Trần Thuận Tông, niên hiệu Quang Thái thứ 6 (1393). Cụ cũng là người khai khoa (mở đầu) của huyện Từ Liêm xưa, đặt nền móng cho làng khoa bảng của vùng đất tứ danh hương Mỗ - La - Canh - Cót.
Cụ làm quan đến chức Thượng thư thẩm hình viện, khi mất được tặng Lễ Bộ Thượng thư. Sách "Từ Liêm đăng khoa lục" cũng ghi tiến sĩ của Từ Liêm xưa bắt đầu từ cụ Hoàng Quán Chi, là người đỗ đại khoa mở đầu cho huyện.
Để tưởng nhớ công lao đóng góp quan trọng của cụ, hiện nay, trên địa bàn phường Yên Hòa vẫn có nhà thờ dòng họ Hoàng. Hàng năm, các thế tôn họ Hoàng vẫn long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày cụ Thái tổ Hoàng Quán Chi khai khoa.
Với nền tảng và truyền thống hiếu học như vậy, thế hệ đời sau của cụ Hoàng Quán Chi liên tiếp có thêm nhiều học giả, danh nhân nổi tiếng. Điển hình trong đó là gia đình cụ Hoàng Thúc Hội (1870 - 1938), cũng chính là ông nội của GS.TS Hoàng Xuân Sính.
Cụ Hoàng Thúc Hội, hiệu là Cúc Hương, đỗ Cử nhân khoa Bính Ngọ (1906), nhưng không ra làm quan. Sinh thời, đạo đức và tài văn chương của cụ được nhiều sĩ phu kính trọng. Năm 1932, nhân dịp đền Hai Bà Trưng (Hà Nội) trùng tu, báo Trung Bắc tân văn mở cuộc thi thơ để kỷ niệm. Trong lần đó, bài thơ của cụ Hội đã trúng giải nhất, và được khắc vào bia đá nơi đền thờ. Cụ cũng vinh dự có tên trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1992).
Tiếp nối truyền thống, hai người con của cụ Hội cũng là những nhà trí thức có đóng góp rất lớn cho văn hóa dân tộc thời bấy giờ. Con trai lớn, Hoàng Thúc Trâm (bút danh Hoa Bằng) (1902-1977) – bác ruột của bà Hoàng Xuân Sính, là nhà nghiên cứu văn học và sử học nổi tiếng.
Trước sau trên 50 năm cầm bút, bằng niềm say mê và với một phương pháp nghiên cứu nghiêm túc, thận trọng; Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm đã có những đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Hai công trình nổi bật của ông đó là Quang Trung - Anh hùng dân tộc và Hồ Xuân Hương, nhà thơ cách mạng. Ghi nhận công lao của Hoàng Thúc Trâm, ở quận Cầu Giấy thành phố Hà Nội có phố Hoa Bằng, và quận Hải Châu (thành phố Đà Nẵng) có con đường mang tên Hoàng Thúc Trâm.
Con thứ của cụ Hội là ông Hoàng Thúc Tấn (1912 – 1986) - cha của bà Hoàng Xuân Sính là nhà kinh doanh sợi có tiếng ở Hà Nội. Ông là người đồng sáng lập báo Thanh Nghị (trong số người sáng lập có GS Vũ Đình Hòe, GS Hoàng Xuân Hãn...). Đây là một trong ba tờ báo xuất bản hợp pháp được đọc nhiều nhất tại miền Bắc Việt Nam vào giai đoạn đặc biệt này.
Khoảng 5 năm tồn tại, với 120 số và hơn 1.000 bài báo, tuần báo Thanh Nghị không chỉ phản ánh tình hình kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam mà còn có vai trò thúc đẩy sự phát triển thông qua việc phổ biến thông tin, phổ biến kiến thức, đấu tranh cho những tiến bộ xã hội. Giá trị tư liệu của tuần báo không chỉ ở những bài nghiên cứu, khảo luận, điều tra, mà nó còn là diễn đàn, nơi mà những trí thức ở tất cả các lĩnh vực như bác sĩ, kỹ sư, nhà văn… thể hiện quan điểm, đề án, đóng góp những giá trị mang tính thúc đẩy cho sự phát triển của dân tộc.
Là doanh nhân yêu nước, ông Tấn được giao quản lý Báo Thanh Nghị. Trong suốt quá trình ấy, ông không chỉ ủng hộ kinh tế, tài chính, mà còn không ngần ngại dùng nhà mình (địa chỉ 102 phố Hàng Bông) làm cơ sở sản xuất cho báo Thanh Nghị. Sau năm 1946, ông tiếp tục xin phép ra báo Dư luận, một trong các báo nghiêm chỉnh tại Hà Nội trong những ngày đầu kháng chiến tại nội thành.
Không dừng lại ở đó, kỹ sư Nguyễn Văn Phúc (1916-1995) – cậu ruột của bà Hoàng Xuân Sính, là Việt kiều Pháp giúp nước nhà sản xuất máy bay TL-1- chiếc máy bay "made in VietNam" đầu tiên.
Ông Phúc sinh ra tại làng Hữu Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) trong gia đình có 6 anh chị em, cha mẹ không may mất sớm.
Nhờ sự thông minh, hiếu học, ông Phúc tốt nghiệp tú tài rồi sang Pháp du học và làm việc trong ngành sản xuất máy bay dân dụng lớn của Pháp. Sau này, chính ông là người dẫn đường và giúp đỡ cho GS.TS Hoàng Xuân Sính suốt những năm tháng du học ở Pháp.
Nhờ có thế hệ xưa không ngừng dựng xây truyền thống, những bậc cha chú ươm mầm gốc rễ, nhà họ Hoàng trở thành gia đình trí thức nổi danh khắp vùng. Trưởng thành trong cái nôi ấy, mỗi một thành viên đều thấm nhuần tình yêu đất nước và lòng hiếu học, quyết tâm đóng góp tuổi trẻ và trí tuệ trong những năm tháng cam go nhưng hào hùng của đất nước.
Sinh ra trong bối cảnh gia đình như vậy, từ nhỏ, bà Hoàng Xuân Sính đã được tiếp xúc với các bậc tri thức đương thời, trong đó có cả 2 cây đại thụ của ngành giáo dục nước nhà như GS Vũ Đình Hòe và GS Hoàng Xuân Hãn. Họ chính là 2 người bạn nối khố thân thiết đã cùng cha của bà lập nên tờ báo Thanh Nghị. Về sau, cả hai đều là Bộ trưởng Bộ Giáo dục có những đóng góp to lớn vào nền giáo dục nước nhà. Ông Hoàng Xuân Hãn là Bộ trưởng Giáo dục của chính quyền Trần Trọng Kim. GS Vũ Đình Hòe chính là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục trong Chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Có thể nói, hai nhà trí thức tài ba và cấp tiến này ảnh hưởng sâu sắc đến bước đường mà cô bé Sính lựa chọn thuở ấy.
Trong cái nôi ấy, tình yêu học tập của Hoàng Xuân Sính ngày một lớn dần theo thời gian. Sau khi học hết cấp II, bà kiên quyết vượt qua định kiến xã hội, chấp nhận chuyện nam nữ học chung để tiếp tục học hết cấp III, rồi lấy bằng Tú tài 1, Tú tài 2 không ngừng nghỉ.
Mọi người cứ tưởng hành trang của cô gái Việt sẽ dừng lại ở đó. Nhưng không, bà Sính hiểu rằng, kiến thức Toán học vẫn còn rất nhiều. Nếu muốn xây dựng đất nước, bà cần tiếp tục nghiên cứu thêm. Và thế là không quản ngại nhọc nhằn, Hoàng Xuân Sính lên đường sang Pháp du học.
Chặng đường này tuy vất vả, nhưng đã giúp bà trở thành cô gái Việt hiếm hoi lấy được bằng thạc sĩ nước ngoài. Xuất sắc hơn nữa, sau đó, bà tiếp tục là nữ Tiến sĩ toán học đầu tiên của Việt Nam khi bảo vệ thành công luận án tại Paris, đồng thời cũng là người phụ nữ nước ngoài đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ quốc gia về toán học tại đây.
Đứng giữa ngã ba đường, một bên là tiếp tục học tập và nghiên cứu tại nước ngoài, một bên là trở về Việt Nam, người phụ nữ ấy không ngần ngại lựa chọn về phụng sự đất nước. "Đi nước ngoài là để học lấy kiến thức. Cần phải trở về xây dựng đất nước, bằng bất cứ giá nào", bà tâm niệm.
Mang theo hành trang tri thức cùng tư tưởng cấp tiến, đổi mới và đầy sáng tạo, bà Sính đã đóng góp rất nhiều thành tựu cho nền giáo dục Việt Nam thời bấy giờ. Đặc biệt, bà Sính còn là những người sáng lập ra Trường Đại học Thăng Long - Đại học dân lập đầu tiên của Việt Nam vào năm 1988.
GS Hoàng Xuân Sính lần lượt tiếp đón nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười năm 2009 và đồng chí Trần Quốc Vượng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, vào tháng 3/2023 tại trường.
Câu chuyện "mở trường" của bà lúc bấy giờ dù khó khăn, có lúc phải "liều mình" tới gặp Tổng Bí thư lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Linh, nhưng đã đóng vai trò mở đường cho các đại học tư thục ra đời và phát triển, hoàn thiện hơn hệ thống giáo dục đại học.
Hình ảnh Trường Đại học Thăng Long khang trang hiện nay.
Em trai của bà là TS Hoàng Sáng, cũng noi gương chị gái khi tiếp nối con đường du học ở Pháp. Ông Sáng thành công tốt nghiệp kỹ sư xây dựng ngành viễn thông tại Paris, sau đó làm việc tại Đài thiên văn Paris, Trung tâm thí nghiệm nghiên cứu không gian và thiết bị vật lý thiên văn (LESIA) và Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia (CNES).
Trong quá trình công tác, ông là chuyên gia và đóng vai trò quan trọng trong các thí nghiệm về không gian trong thiên văn học vô tuyến và vật lý plasma, từ tên lửa âm thanh Ruby đầu tiên đến các vệ tinh ISEE, Ulysses, Wind và STEREO.
Đến thời điểm bây giờ, dù đã ở ngưỡng tuổi 90, họ vẫn âm thầm dành trọn tình yêu cho đam mê và tiếp tục lặng thầm cống hiến cho nước nhà. Nhất là với nữ giáo sư Hoàng Xuân Sính, người luôn luôn trăn trở nỗi niềm để "ngày nào đó, sinh viên Việt Nam sẽ được hưởng nền giáo dục tốt nhất, phát triển trọn vẹn tài năng của mình".
Là con dâu của bà Sính, PGS.TS Nghệ sĩ ưu tú Trần Thị Ngọc Lan (1958) lại chọn cống hiến cho ngành thanh nhạc của Việt Nam. 10 năm liền, từ năm 1976 đến 1986, bà học và tốt nghiệp xuất sắc tại Nhạc viện Hà Nội. Sau đó, bà lần lượt chinh phục tấm bằng Thạc sĩ chuyên ngành thanh nhạc biểu diễn, bằng Tiến sĩ chuyên ngành Lý luận âm nhạc rồi trở thành Phó giáo sư tại Học viện âm nhạc quốc gia.
Tuy không sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật nhưng tình yêu âm nhạc đã nhen nhóm trong bà Trần Thị Ngọc Lan từ thuở nhỏ. Để rồi tới nay, hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp biểu diễn và đào tạo thanh nhạc, nữ PGS TS người Việt đầu tiên trong ngành thanh nhạc đã để lại rất nhiều dấu ấn cho nền âm nhạc nước nhà.
Bà tham gia biểu diễn trong nhiều chương trình trong nước và nước ngoài. Giọng hát của Bà đã vang lên ở các nước Liên Xô (cũ), Triều Tiên, Malaysia, Nhật, Pháp, Trần Thị Ngọc Lan cũng đã tham gia vào một số chương trình thu băng cassette, đài phát thanh và truyền hình. Các giải thưởng: Huy chương bạc thi đơn ca toàn quốc, 1982; Bằng khen cuộc thi "Hoa Cẩm chướng đỏ" (Sochi, Liên Xô cũ), 1983; Huy chương vàng Liên hoan ca nhạc toàn quốc, 1985.
Với niềm ham học chưa bao giờ ngừng cháy, bà cũng vinh dự là một trong số ít các nghệ sĩ được Nhà nước cử đi học tại ngôi trường danh giá Nhạc viện Santa Cecilia (Italy) trong 2 năm từ 1998 – 2000.
Trải qua bao nhiêu thăng trầm, vui nhiều mà buồn cũng không ít, tuy nhiên, chưa bao giờ bà Trần Thị Ngọc Lan cảm thấy nản chí. Suốt một thời gian dài, bà không ngừng trau dồi giọng hát, mở rộng kiến thức và mang hết tình yêu âm nhạc lan tỏa cho những thế hệ kế cận. Dưới sự đào tạo và hướng dẫn của bà, rất nhiều thạc sỹ, tiến sĩ, nghệ sĩ ưu tú của Việt Nam đã ra đời.
Năm 2017, bà đã được phong tặng danh hiệu NSƯT. Đó là trái ngọt thành công đáng tự hào của cuộc đời một nữ nghệ sĩ luôn sống hết mình với đam mê.
Dòng máu hiếu học dường như không dừng lại ở đó. Cháu nội duy nhất của bà Hoàng Xuân Sính là Trương Nhật Hoa, sinh năm 1991, cũng là một trong những nữ trí thức ưu tú. Cô là điển hình của người tự học, tự nghiên cứu.
Thay vào đó, Hoa tự mày mò phương pháp học tập tốt nhất cho bản thân để phát triển toàn diện cả việc học lẫn các kỹ năng mềm. Sau khi trở thành Cử nhân kinh tế tại Học viện quản lý Singapore, cô tiếp tục theo đuổi con đường tri thức, sở hữu tấm bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Trường Côte D’azur – Cộng hòa Pháp.
Nữ tiến sĩ trẻ nhất trong gia đình hiện đang là một nhà quản lý trẻ sáng tạo, đầy quyết liệt với việc đi đầu trong việc chuyển đổi số ở lĩnh vực giáo dục.
Tiếp bước tinh thần không ngừng học tập của người bà đáng kính, cô gái trẻ tiếp tục nghiên cứu, trở thành Tiến sĩ kinh tế phát triển tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ngôi trường hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, còn được ví von là "Stanford Việt Nam". Hiện, cô là một nhà quản lý trẻ sáng tạo, đầy quyết liệt với việc đi đầu trong việc chuyển đổi số ở lĩnh vực giáo dục.
Với hành trang trí thức và tình yêu nước trên vai, gia đình trí thức đặc biệt ấy vẫn đang không ngừng đóng góp cho quá trình xây dựng nền kinh tế, xã hội nước nhà. Từ đủ mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh, mỗi một phần công sức của họ đều hóa thành những viên gạch vững chắc, góp phần tạo nên sự thịnh vượng chung của Việt Nam.
*Ảnh: NVCC