Tại một buổi tọa đàm dinh dưỡng được tổ chức mới đây, chuyên gia về sinh hóa, Giáo sư Lê Đình Phái, Viện Hàn lâm Đức, Đại học FSU Jena - Đức, nói rằng trong cuộc sống hiện đại ngày nay có 3 yếu tố độc hại gọi đó là "tam độc", ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Khi tam độc ngày một nhiều thì sẽ khiến cho sức khỏe đi xuống, bệnh lý bủa vây, giảm tuổi thọ.
Là một chuyên gia chuyên nghiên cứu về sinh hóa, giáo sư (GS) Phái nhận ra 3 yếu tố "tam độc" gây hại cho con người đó là:
Độc từ tâm trí
Nếu thường xuyên bị áp lực, stress sẽ sinh ra các chất độc hại cho sức khỏe. Khi tâm trí không khỏe thì thân thể cũng khó khỏe mạnh. GS Phái cho rằng khi con người tham – sân – si sẽ tự tạo cho mình những áp lực, buồn phiền không đáng có, từ đó sinh ra bệnh tật.
Độc từ cách sống - ăn uống
Ăn không chỉ để lấy no mà còn để khỏe mạnh và sống thọ. Tuy nhiên, theo nhận định của GS Phái, hiện nay chúng ta đang ăn uống thiếu kiểm soát, nuông chiều vị giác. Cách ăn tự do thoải mái, nhiều thịt, ít rau xanh khiến cho sức khỏe bị ảnh hưởng.
“Trong thịt có những chất đạm quý để xây dựng cơ thể, nếu ăn đủ, đúng thì rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu ăn thịt quá nhiều, nhất là các loại thịt đỏ, dẫn tới dư thừa chất đạm, khi chuyển hóa sẽ sinh ra các chất axit không có lợi cho sức khỏe”, GS Phái phân tích.
Ngoài ra, việc chế biến thịt bằng cách lạm dụng chiên, rán, nướng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. “Ăn thịt không đúng cách vô tình lại nạp thêm chất độc vào cơ thể”, GS Phái nói.
Độc từ môi trường sống
Theo GS Phái, yếu tố môi trường bao gồm không khí, đất, nước... Trong không khí hiện nay có nhiều yếu tố bất lợi cho sức khỏe, ví như phát thải từ phương tiện giao thông, phát thải từ sản xuất công nghiệp, phát thải từ đời sống dân sinh… Khi không khí chất lượng kém, chúng ta sẽ bị ảnh hưởng tới sức khỏe.
Bên cạnh đó, nếu đất bị ô nhiễm thì việc trồng rau cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Khi con người ăn các loại rau nhiễm kim loại vào cơ thể, tích lũy vượt ngưỡng có thể gây bệnh, suy giảm tuổi thọ.
Vị giáo sư khẳng định nếu giảm được các yếu tố "tam độc" thì sức khỏe sẽ được cải thiện, ít bệnh và sống thọ.
Đồng quan điểm trên với GS Phái, GS Lê Thị Hợp, nguyên Viện Trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, cho hay khi loại bỏ được 3 yếu tố gây độc trên thì sức khỏe sẽ tốt lên.
GS Hợp cũng nêu tầm quan trọng của dinh dưỡng. “Không có dinh dưỡng tốt sẽ không có sức khỏe. Chìa khóa để có sức khỏe là dinh dưỡng hợp lý đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, phù hợp với lứa tuổi”, giáo sư Hợp cho hay.
Xây dựng tứ trụ cho sức khỏe
GS Phái cho biết ở tuổi U90, ông vẫn có sức khỏe và sự minh mẫn không phải ai cũng có được. Để có một sức khỏe tốt, ông đã xây dựng tứ trụ sức khỏe, gồm tâm trí, dinh dưỡng, cách sống, môi trường.
- Tâm trí: Thanh thản, không stress.
- Dinh dưỡng: Ăn đủ chất, sạch lành; Uống đủ lượng.
- Cách sống: Ngủ đủ giấc, đúng giờ, ngủ sâu; Nghỉ ngơi thư giãn, thiền; Thể dục thể thao vừa sức 30 phút/ngày; Tập thở sâu, tập yoga; Bài tiết đều đặn hằng ngày.
- Môi trường: Sống trong môi trường trong lành.
Ngọc Minh