Ông Nguyễn Vũ Đức, CEO Go-Viet từng tham gia vào việc ra mắt thành công ứng dụng Uber tại Việt Nam. |
Từ khi Uber bán lại mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho Grab vào tháng 4, Grab gần như đã trở thành kẻ thống lĩnh độc quyền thị trường Việt Nam. Những tân binh VATO, T.NET, ABER thậm chí là FASTGO chưa tạo ra được một đối trọng đáng kể cũng như nguy cơ mất thị phần đối với Grab. Ở ngai vương cùng thế độc chiếm của mình, Grab đã và đang "làm mưa, làm gió" dẫn đến bộ phận không nhỏ lái xe, khách hàng phàn nàn về chất lượng dịch vụ cũng như các chương trình khuyến mại giảm dần đến thưa thớt. Chưa kể đến chuyện tình trạng tài xế Grab bao gồm cả GrabBike và GrabCar liên tục hủy chuyến diễn ra như cơm bữa. Và cái tên Go-Viet xuất hiện chính thức trong những ngày trung tuần tháng 9/2018 có làm tốt sứ mệnh tạo ra những sức ép đáng kể lên ông lớn Grab và mang lại nhiều tiện ích hơn cho các thượng đế?
Trao đổi với PV Báo điện tử Người đưa tin, ông Nguyễn Vũ Đức - CEO Go-Viet hồ hởi chia sẻ: "Sau 6 tuần hoạt động thí điểm tại 12 quận ở Tp.Hồ Chí Minh, Go-Viet đã có những thành tựu bước đầu đáng kể với sự đón nhận từ người tiêu dùng và các đối tác tài xế. Cụ thể, ứng dụng của chúng tôi đã thu hút hơn 25.000 đối tác tài xế đăng ký tham gia cung cấp dịch vụ và được hơn 1,5 triệu lượt tải về tính tới thời điểm hiện tại".
Không đơn thuần chỉ là việc gọi xe
Ông Đức chia sẻ thêm: "Ứng dụng Go-Viet trên thiết bị di động là một hệ sinh thái công nghệ, là sàn giao dịch điện tử kết nối giữa bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ, theo đó người dùng có thể sử dụng ứng dụng Go-Viet để đặt các dịch vụ đa dạng phục vụ cho mọi nhu cầu cuộc sống hàng ngày như vận chuyển hành khách bằng xe máy và xe ô tô, giao nhận đồ ăn, ví điện tử, giao hàng, đi chợ hộ, các dịch vụ làm đẹp tại nhà, dọn dẹp nhà cửa... Như bạn thấy Go-Viet không phải là một ứng dụng kết nối vận tải, mà là một hệ sinh thái nhằm mang đến đầy đủ các dịch vụ phục vụ cho các nhu cầu hàng ngày của người dùng với các lựa chọn đa dạng. Kết nối vận tải chỉ là một trong những tiện ích của ứng dụng đa năng này". Vị thuyền trưởng của Go-Viet cũng chia sẻ kế hoạch sẽ sớm ra mắt các sản phẩm Go-Car (Dịch vụ gọi xe công nghệ bốn bánh), Go-Food (Dịch vụ giao thức ăn nhanh) và Go-Pay (Dịch vụ thanh toán tiền điện tử) trong thời gian tới.
Đại gia tỷ đô đứng sau Go-Viet là ai?
Đó chính là Go-Jek, tập đoàn công nghệ đa nền tảng lớn nhất Indonesia. Với khát vọng chuyển mình từ "kỳ lân công nghệ" đầu tiên của Indonesia (công ty khởi nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD) trở thành công ty công nghệ mang đẳng cấp quốc tế, Go-Jek không giấu tham vọng mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều thị trường khác bao gồm Việt Nam cũng như Thái Lan, Singapore và Philippines trong thời gian tới. Go-Jek hiện cung cấp 17 dịch vụ khác nhau từ phương tiện di chuyển, chuyển phát thực phẩm, nhu yếu phẩm, mát xa, vệ sinh chuyên nghiệp đến vận chuyển hàng hóa hay ví điện tử và các chương trình khách hàng thân thiết.
Hiện tại, Go-Jek đã trở thành tập đoàn công nghệ tích hợp, đảm nhận nhiệm vụ vận hành doanh nghiệp và những nền tảng dịch vụ đang có mặt ở khắp các lĩnh vực trong cuộc sống. Tập đoàn được thành lập trên nguyên tắc sử dụng công nghệ để cải thiện cuộc sống của người dân Indonesia, cung cấp cho họ quyền tiếp cận với các sản phẩm và dịch vụ, đồng thời khởi tạo những giá trị xã hội, cải thiện hiệu quả và năng suất cũng như thúc đẩy nền tài chính một cách toàn diện. Tại Indonesia, ứng dụng đạt 96 triệu lượt tải về trên các thiết bị di động, hơn 1 triệu đối tác tài xế trên cả nước và hơn 100 triệu giao dịch mỗi tháng. Và với việc được Go-Jek chống lưng về tài chính, Go-Viet cho biết họ đủ tự tin để đi một chặng đường dài hơi.
Cú bắt tay lịch sử của Go-Viet và Go-Jek liệu có thành công? |
Một số điều chưa biết về Go-Jek như từ tháng 01/2018, các đối tác giao nhận thức ăn của Go-Food đã giao 4 triệu ly cà phê, 9.5 triệu phần gà rán và 4 triệu hộp Martabak (bánh kếp) trên khắp Indonesia kể từ 2017. Cũng trong trong năm 2017, dịch vụ vận chuyển Go-Send đã phân phối hơn 800.000 sản phẩm may mặc và 2.3 triệu mặt hàng thực phẩm cho hơn 203.000 cửa hàng trực tuyến quy mô nhỏ.
Cuốc xe "hủy diệt"
Và Go-Viet đã chào sân thị trường với một chương trình khuyến mãi không thể ấn tượng hơn vào đúng ngày ra mắt chính thức khách hàng Việt khi tặng riêng khách hàng Hà Nội chương trình ưu đãi đồng giá 1.000 đồng áp dụng cho mọi chuyến đi dưới 6km xuất phát từ 6 quận trung tâm.
Trước đó, trong thời điểm thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh Go-Viet đã từng khuyến mại 5.000 đồng/chuyến trong vòng bán kính 8 km từ điểm đón đến điểm dừng. Mỗi ngày, chạy ít nhất 13 cuốc là tài xế được thưởng 220.000 đồng, chạy đủ chỉ tiêu trên thì có thể nghỉ sớm. Nếu ngày nào cũng đủ chỉ tiêu, cả tháng tài xế sẽ được thưởng tới 6.6 triệu đồng.
Những áp lực đầu tiên đặt lên ngai vương của Grab
Trước sức ép từ những "người mới", đặc biệt là tân binh Go -Viet, ông lớn Grab đã bắt đầu có những động thái thể hiện sự quan tâm, chăm chút nhiều hơn đến các đối tác tài xế. Cụ thể, ngay tuần thứ hai của tháng 8/2018, Grab tung chương trình: “Nhận lại ngay 5% doanh thu mỗi tuần” áp dụng cho các đối tác GrabBike, GrabBike Premium và GrabExpress tại TP.HCM từ ngày 6/8/2018 cho đến khi có thông báo tiếp theo". Chính môi trường độc quyền đã khiến Grab và đối tác tài xế của họ "được quyền" bắt khách chờ đợi, phục vụ hời hợt hay hủy chuyến không lý do và kèm theo những tai tiếng không đáng có. Go-Viet và những "đồng nghiệp" mới đã khiến Grab buộc phải nhìn nhận lại để thiết lập vị thế của mình cũng như bứt tốc về nhiều mặt để hiện thực hóa tuyên bố đến năm 2020 sẽ có 50% người dùng Việt Nam dùng các dịch vụ của Grab trên một nền tảng siêu ứng dụng.
Liệu có một cuộc cán đích ngoạn mục của Grab hay "kẻ ngáng đường" mang tên Go-Viet sắp ra chiêu thức mới thì tương lai sẽ trả lời. Liệu người tiêu dùng có còn nhận được những cuốc xe "hủy diệt" tới từ Go-Viet hay một đối thủ nào khác? Nhưng điều chắc chắn rằng nếu các công ty vận tải công nghệ mang đến giá trị thực, có lợi nhất cho người tiêu dùng thì đó chính là giá trị cốt lõi và nuôi lớn chính doanh nghiệp ấy.
Nguyễn Linh