Hà Nội chỉ còn 8 trung tâm đăng kiểm hoạt động
Tính đến hết ngày 6/3/2023, tại Hà Nội chỉ còn 8/31 Trung tâm đăng kiểm (TTĐK) với chưa đầy 20 dây chuyền còn hoạt động. Tính trung bình mỗi dây chuyền kiểm định được khoảng 60 xe/ngày, mỗi ngày tại Hà Nội hiện chỉ kiểm định được khoảng 1.000 xe/ngày, thiếu hụt nghiêm trọng so với nhu cầu kiểm định xe của người dân, gây ra tình trạng ùn tắc. quá tải đăng kiểm.
Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc ùn tắc, quá tải đăng kiểm diễn ra trong tháng 3/2023 là điều Cục Đăng kiểm Việt Nam đã dự đoán từ trước khi theo chu kỳ kiểm định, nhu cầu đăng kiểm của người dân sẽ tăng cao trở lại trong khi nhân sự đăng kiểm viên đang thiếu hụt nghiêm trọng và hàng loạt các trung tâm đăng kiểm đã đóng cửa.
Để duy trì hoạt động các trạm đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, được biết đơn vị này đã nỗ lực vận động các đăng kiểm viên đã nghỉ việc quay trở lại phục vụ người dân.
Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp tục khuyến cáo, người dân ở Hà Nội chủ động đưa xe sang các trung tâm đăng kiểm ở các tỉnh lân cận để thực hiện kiểm định xe, tránh phải chờ lâu, ùn tắc ở Hà Nội.
Ngoài ra việc chủ động bảo dưỡng xe, tra cứu và nộp phạt nguội trước khi đi kiểm định xe cũng được khuyến cáo để người dân thực hiện, giúp giảm thời gian làm các thủ tục đăng kiểm cũng như tránh bị những hạng mục không đạt phải đưa xe đi sửa chữa và quay lại trong khi đã vất vả xếp hàng từ trước.
Lãnh đạo VEC lý giải gì việc xe quá tải đi vào cao tốc Hà Nội - Lào Cai?
Về việc xe quá tải vẫn đi được vào cao tốc Hà Nội - Lào Cai, ngày 6/3, lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, Tổng Công ty đã kiểm tra, kết quả cho thấy trạm cân tải trọng xe tại Trạm thu phí IC 12, Yên Bái đang gặp trục trặc, đèn tín hiệu chỉ phát sáng, không cân được tải trọng xe. Tình trạng này đã diễn ra từ năm 2022, trước khi triển khai thu phí tự động không dừng trên cao tốc.
Lãnh đạo VEC cũng cho biết, đây là tình trạng sự cố gặp phải của hệ thống cân tải trọng sử dụng công nghệ thạch anh, Tổng Công ty đã yêu cầu sửa chữa, khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Hiện, Tổng Công ty đang yêu cầu đơn vị khai thác, vận hành báo cáo cụ thể để trình Hội đồng thành viên Tổng Công ty cho phép đầu tư, sửa chữa. Theo báo giá hiện hành, việc sửa chữa vị trí cân tải trọng này có giá khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Lãnh đạo VEC chia sẻ thêm, hiện trên đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đang sử dụng 2 hệ thống cân tải trọng bằng công nghệ cân bàn và thạch anh. Trong đó, các trạm cân sử dụng công nghệ thạch anh thường xuyên bị lỗi do các phương tiện lưu thông với tốc độ cao, mật độ phương tiện lưu thông lớn…
Trước đó, trao đổi với PV lãnh đạo VEC khẳng định: Hệ thống trạm cân tải trọng trên đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, do trước đây, các trạm cân tải trọng này được lắp đặt để phục vụ các xe có tốc độ lưu thông thấp (khoảng 5km/h), nay triển khai thu phí không dừng, tốc độ xe lưu thông qua trạm cao hơn (khoảng 40km/h) nên việc kiểm tra tải trọng gặp nhiều khó khăn, khó bảo đảm an toàn cho cán bộ vận hành.
Tổng công ty đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Ban ATGT các tỉnh chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát tải trọng xe ngay tại bến bãi, điểm mỏ, đầu nguồn hàng để bảo vệ kết cấu hạ tầng và an toàn giao thông.
Bộ GTVT ủng hộ bổ sung Nhân Cơ vào quy hoạch sân bay chuyên dùng
Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Nông liên quan tới việc bổ sung quy hoạch sân bay Nhân Cơ.
Bộ GTVT cho biết, về việc đưa sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch sân bay chuyên dùng quốc phòng kết hợp với dân sự, Bộ GTVT đã có công văn số 5517 trả lời đề xuất của UBND tỉnh Đắk Nông.
Theo đó, Bộ GTVT ủng hộ chủ trương và đề nghị tỉnh chủ động làm việc, thống nhất với Bộ Quốc phòng để bổ sung sân bay Nhân Cơ trong quy hoạch của tỉnh, đồng thời kêu gọi các nguồn lực để đầu tư, phát triển sân bay Nhân Cơ với tính chất là sân bay chuyên dùng theo quy định hiện hành. Trong quá trình triển khai, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)