Hà Nội còn 11, TP.HCM còn 10 TTĐK hoạt động, nguy cơ đứt gãy chuỗi ĐK cả nước
Thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam đến sáng 2/3, 20/31 đơn vị đăng kiểm tại Hà Nội đã tạm dừng hoạt động và chỉ còn 11 trung tâm đăng kiểm (TTĐK) đang mở cửa. Nhu cầu đăng kiểm xe cơ giới của người dân và doanh nghiệp tăng cao trong khi 11 trung tâm này chỉ có tổng cộng 21 dây chuyền còn hoạt động khiến tình trạng ùn tắc tại các trạm đăng kiểm tái diễn và ngày càng trầm trọng.
Trong khi đó ở TP.HCM, cũng chỉ còn 10/19 TTĐK đang hoạt động (gồm 9 đơn vị và 1 chi nhánh). Số đăng kiểm viên đang hoạt động tại các đơn vị là 93/197. Công suất kiểm định tối đa là 1.410 xe/ngày, giảm 33% so với thời điểm trước đây. Với công suất này, mỗi tháng TP có thể kiểm định khoảng 27.000 xe, trong khi dự kiến nhu cầu đăng kiểm tháng Ba là 50.000 xe, tháng Tư khoảng 80.000 xe.
Tình trạng ùn tắc đăng kiểm được ghi nhận diễn ra trong mấy ngày vừa qua tại nhiều địa phương cho thấy nguy cơ đứt gãy chuỗi đăng kiểm. Được biết, hiện tại Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đang nỗ lực để tìm kiếm, thực hiện các biện pháp mang tính chất khắc phục tình trạng này.
VEC chịu trách nhiệm huy động vốn mở rộng đoạn cao tốc Yên Bái- Lào Cai lên 4 làn xe
Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND tỉnh Lào Cai liên quan đến việc đầu tư dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai.
Theo Bộ GTVT, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, chiều dài 264 km, đã được đưa vào khai thác năm 2014 với quy mô 4 làn xe đối với đoạn Nội Bài - Yên Bái; 2 làn xe đối với đoạn Yên Bái - Lào Cai.
Hiện nay, đoạn Yên Bái - Lào Cai có lưu lượng tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Vì vậy, để khai thác đồng bộ quy mô toàn tuyến, đáp ứng nhu cầu vận tải, phù hợp với quy hoạch và Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/12/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là cần thiết.
Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Lào Cai chủ động phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để nghiên cứu huy động vốn, triển khai đầu tư dự án theo quy mô 4 làn xe, khai thác đồng bộ với đoạn Nội Bài - Yên Bái.
Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Lào Cai, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trong quá trình đầu tư dự án.
TP.HCM lên danh sách 33 dự án trọng điểm "nhanh sẽ khen, chậm bị kiểm điểm"
Sở GTVT TP.HCM cho biết, danh mục các dự án, công trình giao thông trọng điểm năm 2023 được ban hành nhằm theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện.
Các đơn vị báo cáo kịp thời khó khăn, vướng mắc từng dự án để UBND TP chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ nhằm đảm bảo dự án thực hiện theo đúng tiến độ yêu cầu.
Cụ thể, trong danh mục 33 dự án, có 20 dự án đã có quyết định phê duyệt đầu tư, gồm metro số 1, metro số 2, QL50, vành đai 3 TP.HCM, đoạn 3 đường vành đai 2 (từ đoạn Phạm Văn Đồng đến cầu vượt Gò Dưa), nút giao An Phú, nút giao Mỹ Thủy, mở rộng Xa lộ Hà Nội…
Nhóm 13 dự án chuẩn bị đầu tư sẽ được thực hiện bằng nguồn ngân sách và đối tác công tư (PPP).
Trong đó, các dự án đầu tư công gồm đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội) và đoạn 2 (từ ngã tư Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng) thuộc đường vành đai 2; nâng tĩnh không 2 cầu Bình Phước 1, Bình Triệu 1; xây mới cầu Tân Kỳ - Tân Quý (hơn 491,6 tỉ đồng). Còn đường liên cảng Phú Hữu - Cát Lái - vành đai 3 TP.HCM từ nguồn thu phí cảng biển.
Ngoài ra, nhóm dự án chuẩn bị đầu tư cũng có nhiều công trình được thực hiện bằng hình thức đối tác công tư (PPP) như cao tốc Mộc Bài - TP.HCM, vành đai 4 TP.HCM, cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ, cầu đường Bình Tiên.
UBND TP.HCM giao Sở GTVT là cơ quan thường trực, chủ trì theo dõi, đôn đốc sở ngành đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao trong các dự án giao thông trọng điểm, phối hợp với Sở Nội vụ TP kịp thời đề xuất UBND TP khen thưởng các tổ chức, cá nhân có liên quan hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đồng thời, phê bình, kiểm điểm trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, giải quyết công việc chậm trễ làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện các dự án theo kế hoạch đề ra.
Thành Đô (tổng hợp)