Cụ thể, sau khi xây dựng xong đề án thu phí xe cơ giới vào nội đô, đề án đã được Sở GTVT Hà Nội báo cáo thành phố 3 lần. Sau lần báo cáo thứ ba vừa qua, đề án đã cập nhật, bổ sung một số nội dung mới cho phù hợp với tình hình thực tế, trong đó có mở rộng phạm vi được lựa chọn làm ranh giới khu vực thu phí giữa nội và ngoại thành, bổ sung lên 100 trạm, trước đây là 87 trạm. Từ nay đến năm 2035 phải hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch 10 tuyến.
Theo sở GTVT Hà Nội, khi thành phố có thêm mạng lưới đường sắt theo quy hoạch đưa vào hoạt động, việc đáp ứng 50% nhu cầu của người dân là hoàn toàn khả thi. Sau đó, việc dừng xe máy tại các quận nội thành là phù hợp nhất. Theo đó, Sở GTVT đang nghiên cứu phương án lùi việc phân vùng dừng hoạt động xe máy đến thời điểm 2035.
Sau khi Sở GTVT báo cáo thành phố lần 3, đơn vị đang tiến hành bước lấy phiếu điều tra xã hội học theo hình thức trực tuyến đối tượng bị ảnh hưởng của đề án, từ đó có thêm cơ sở để Sở trình thành phố xem xét, phê duyệt mức phí phù hợp. Trang web đang được lấy ý kiến trực tuyến có địa chỉ: https://docs.google.com.
Hiện, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 7,8 triệu phương tiện tham gia giao thông; trong đó xe máy là 6,6 triệu, ô tô là hơn 1 triệu. Tốc độ tăng trung bình mỗi năm là 4 -5%, riêng ô tô tăng 18%. Cả xe máy và ô tô chưa có quy định khống chế số lượng cấp biển số cho cá nhân người sử dụng, mỗi cá nhân có thể sử dụng 1 hoặc nhiều xe, dẫn đến số lượng phương tiện gia tăng mỗi năm rất cao. Theo thống kê, nếu năm 2017 (khi bắt đầu triển khai Đề án quản lý xe cá nhân) toàn thành phố có 6,5 triệu phương tiện xe máy, ô tô; đến hết năm 2022 (sau 5 năm) tổng phương tiện xe máy tại Hà Nội là 7,8 triệu, tăng 1,3 triệu (tương đương tăng 20%).
PV (tổng hợp)